Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó, 32 đại lý dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ miễn phí người dân thực hiện 30 thủ tục hành chính trên môi trường mạng như cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID; cấp, đổi giấy phép lái xe; đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn…
Đó chỉ là một trong những tiện ích mà người dân được hưởng lợi khi thành phố Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính giúp cán bộ, công chức tiếp nhận dễ dàng, giải quyết và trả kết quả nhanh chóng cho người dân. Điều này còn tiết kiệm thời gian, công sức, ngân sách, giải quyết bài toán dữ liệu chồng chéo, mất an toàn và nhiều sai sót trong khâu lưu trữ, bảo quản. Cơ quan cấp trên có thể kiểm tra, giám sát, cập nhật thường xuyên quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ của cơ quan cấp dưới mọi lúc, mọi nơi, bảo đảm quá trình này diễn ra minh bạch, hiệu quả.
Dù đạt được nhiều bước tiến quan trọng, song công tác cải cách cũng như số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn những bất cập, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và các chỉ số phát triển. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại một số địa phương, đơn vị còn thấp; hoạt động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp còn mang tính hình thức; tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số còn hạn chế, ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân.
Trước những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND (ngày 18-2-2025) số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội với mục tiêu số hóa 100% kết quả thủ tục hành chính trước ngày 31-12-2025.
Để đạt được mục tiêu quan trọng này, trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung, coi công tác chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó cần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.
Các đơn vị liên quan cần tiếp tục rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó chú trọng xây dựng quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng nhằm kịp thời sửa đổi, thay thế các quy định, thủ tục không cần thiết, không phù hợp; bảo đảm đơn giản hóa các quy định có liên quan, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường thực hiện liên thông điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
Để số hóa 100% kết quả thủ tục hành chính, còn phải kể đến việc đầu tư cho hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực số. Vì thế, các đơn vị cần có kế hoạch phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương...
Việc số hóa thủ tục hành chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức tiếp cận dịch vụ công của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền gắn với tiếp nhận thông tin phản hồi thường xuyên, liên tục để tiếp thu cải thiện chất lượng số hóa, góp phần tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.