(HNM) - Từ ngày 1-7 tới, nghị định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm 2010 đến năm 2015 có hiệu lực. Cùng với đó, mức học phí mới cũng sẽ được áp dụng. Với nhiều trường, đây là điều đã được trông đợi từ lâu.
Giờ thực hành tin học của học sinh Trường THCS Đống Đa. Ảnh: Bích Ngọc |
Nóng lòng áp dụng học phí mới
Đối với giáo dục nghề nghiệp và ĐH công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Mức trần học phí ĐH năm học sắp tới là 290.000 - 340.000 đồng/tháng/sinh viên và tăng dần theo từng năm, tới năm học 2014-2015, học phí sẽ có mức trần từ 550.000 - 800.000 đồng/tháng.
Mức học phí thấp nhất, 290.000 đồng, được quy định cho nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản. Tiếp đó là mức 310.000 đồng/tháng với nhóm ngành khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch. Mức trần cao nhất thuộc về nhóm ngành y dược với 340.000 đồng/tháng. Học phí đào tạo theo tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành đào tạo và số tín chỉ đó.
Sau khi quy định mới về học phí được phê duyệt, nhiều trường ĐH cho biết sẽ thực hiện thu học phí với mức trần mới ngay trong năm học sắp tới. Phần lớn các trường đều cho rằng mức thu sau khi được điều chỉnh chỉ phần nào giúp đỡ được các trường chứ không giải quyết được những khó khăn tài chính vốn có. Đặc biệt, các trường thuộc khối kỹ thuật, y - dược vốn có chi phí rất lớn đều khẳng định sẽ sớm áp dụng mức trần học phí mới theo quy định của Chính phủ. Ông Lê Viết Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết, học phí năm học 2010-2011 của nhà trường sẽ ở mức kịch trần là 340.000 đồng/tháng. Mức này dù đã ở nhóm cao nhất vẫn còn xa mới đủ đáp ứng chi phí đào tạo cho một SV ngành dược là khoảng 1.000 USD/ năm. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) thì cho biết: Mức học phí tăng lên sẽ được áp dụng trong năm học tới song sẽ được tính toán theo từng ngành nhằm thu hút SV giỏi và hỗ trợ những SV khó khăn.
Tăng học phí phải tăng chất lượng
Bên cạnh các trường công lập trông chờ việc tăng học phí với mức tăng chỉ vài chục nghìn đồng người mỗi năm, các trường ngoài công lập được tự quyết định mức thu nên đã có kế hoạch tăng học phí từ đầu mùa tuyển sinh. Mức tăng chung của các trường này là khoảng 10%-15%. Khối ngành y dược của các trường ngoài công lập cũng có mức thu cao hơn hẳn các ngành khác. Trong số 16 ngành đào tạo của Trường ĐH dân lập Thăng Long, khối ngành y dược có mức học phí cao nhất là 12 triệu đồng/năm. Lý do tăng học phí mà các trường đưa ra là do tỷ lệ trượt giá cao, chi phí đầu vào tăng, bổ sung trang thiết bị và cơ sở vật chất...
Trước xu hướng tăng học phí ở các các trường công lập và ngoài công lập, vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu việc tăng học phí có đi đôi với tăng chất lượng đào tạo. Đây cũng là yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đề ra. Về vấn đề này, ông Bùi Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, cho biết, bên cạnh việc hướng dẫn các trường áp dụng mức học phí mới, Bộ GD-ĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn việc tăng học phí phải gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo như là một cam kết của các trường buộc phải thực hiện với một lộ trình và những nội dung rõ ràng. Các trường sẽ buộc phải thực hiện điều này thông qua việc công khai tài chính - một trong ba nội dung công khai các trường phải thực hiện liên tục hằng năm và Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên.
Ông Quang cũng cho biết thêm, ngày 17-5, Bộ GD-ĐT đã có cuộc làm việc đầu tiên với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chuẩn bị thông tư liên tịch hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện cấp bù học phí được miễn, giảm cho các trường. Thực hiện công bố công khai các chính sách miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm bảo đảm cho sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.