(HNM) - Thông tin, tuần lễ đầu của năm Nhâm Thìn đã có 13.450 "rồng con" chào đời khiến cho người ta lo ngại số trẻ sinh năm nay sẽ tăng, gây ra nguy cơ bùng nổ dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một sự đánh giá đầy đủ về hiện tượng xã hội "sinh năm đẹp" để có chiến lược cho công tác dân số cũng như y tế, giáo dục và an sinh xã hội.
Ý chí bất lực trước tâm lý?
Kết thúc năm 2011, công tác dân số đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp: mức giảm sinh là 0,2%o; tỷ lệ tăng dân số là 1,04%; tổng tỷ suất sinh đạt 1,99 con; tuổi thọ bình quân 73 tuổi; số trẻ em sinh ra là con thứ ba trở lên năm 2011 giảm 3% so với cùng kỳ năm 2010... Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ đang đứng trước nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, đạt cực đại vào khoảng năm 2025-2030, tiềm năng sinh đẻ còn rất lớn, cần phải đề ra kế hoạch để chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số. Mất cân bằng giới tính khi sinh bước vào mức báo động. Tại cuộc làm việc của Bộ Y tế với thành phố Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng cũng đã cảnh báo: Theo tâm lý người Việt, năm 2012 là một năm rất đẹp cho việc sinh nở, trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh nở tại Hà Nội đang ở đúng giai đoạn "bùng nổ". Lo ngại này không chỉ dành riêng cho Hà Nội, dù năm qua công tác dân số của Thủ đô chưa đạt được kết quả như mong muốn với tổng sinh trên toàn thành phố là 115.900 trẻ, tăng 15.698 trẻ so với cùng kỳ năm 2010 và số sinh con thứ ba trở lên là 8.472, tăng 185 trẻ so với cùng kỳ năm 2010 và đây lại là địa phương có quy mô dân số lớn, dân trí không đồng đều, cơ cấu dân số trẻ.
Tăng cường công tác tuyên truyền DS-KHHGĐ sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Ảnh: Minh Nguyễn |
Tại TP Hồ Chí Minh, trong 3 ngày Tết, các BV của thành phố đã đón 900 trẻ ra đời, tăng 43% so với năm Tân Mão. Còn theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 9 ngày Tết vừa qua, đã có 1.632 trẻ ra đời, tăng 402 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của Sở Y tế Tây Ninh, trong 3 ngày đầu năm, tại tỉnh đã có 265 trẻ được sinh, năm 2011 con số này là 168... Một số BV sản khoa cũng dự báo số trẻ sinh năm Nhâm Thìn sẽ tăng dựa trên số lượng sản phụ đến khám thai từ giữa năm 2011, ví như BV Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) là từ 600 đến 700 sản phụ/ngày trong khi thời gian trước chỉ khoảng trên 500 người/ngày.
Tuy nhiên, trái với nhận định trên, Phó Giám đốc BV Phụ sản trung ương Lê Hoài Chương và Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội Nguyễn Huy Bạo đều cho rằng, tại hai đơn vị này chưa có sự đột biến nào về số lượng sản phụ đến khám. Ở BV Phụ sản trung ương, dù đơn vị đang trong quá trình xây dựng nên khó có sự so sánh như ông Chương cho rằng, ông không thấy có gì bất thường về số sinh. Còn ở BV Phụ sản Hà Nội, tháng 1 có 3.000 ca đẻ, thấp hơn nhiều so với tháng cao điểm lên tới 4.000 ca.
Nhận định đúng để có giải pháp phù hợp
Trong khi dư luận lo ngại thì những người trong cuộc lại bình tĩnh. TS Lê Hoài Chương thẳng thắn, "báo chí cứ nói thế chứ chúng tôi thấy mọi việc vẫn bình thường". Một vài con số sau đây có lẽ sẽ trả lời cho câu hỏi "tăng sinh năm đẹp là một thực tế hay chỉ là nhận định mang tính cảm tính?".
Trong các năm được coi là "đẹp" gần đây gồm Canh Dần (2000), Quý Mùi (2003), Đinh Hợi (2007) thì tỷ lệ tăng dân số so với các năm trước được cập nhật tại trang web của Tổng cục DS-KHHGĐ lần lượt là 1,35-1,17-1,09%. Trong khi đó, những năm không được coi là đẹp tỷ lệ tăng dân số vẫn tăng: năm 2001 là 1,28%; 2002-1,17%; 2004-1,20%; 2005-1,17%; 2006-1,12%; 2008-1,07%; 2009-1,06%... Tại Hà Nội, theo kế hoạch phát triển mẫu giáo của thành phố thì dân số 5 tuổi cao nhất lại là năm 2011, tức là trẻ sinh năm 2006 nhiều nhất với 131.246 trẻ; còn năm 2012 số dân 5 tuổi, tức là sinh năm Đinh Hợi chỉ là 125.867. Số tuyển mới học sinh lớp 1 của thành phố trong vài năm gần đây và dự kiến một vài năm tiếp theo cũng cho thấy điều đó : năm học 2009-2010 số học sinh lớp 1 tuyển mới là 107.810, năm học 2011-2012 là 102.594, năm học 2012-2013 dự kiến là 129.824; năm học 2013-2014 là 124.503.
Rõ ràng là, số trẻ sinh ra không chỉ phụ thuộc vào năm đẹp bởi như TS Lê Hoài Chương khẳng định, "có phải muốn đẻ là đẻ được đâu". Còn theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, thì can thiệp của ngành DS-KHHGĐ cũng chỉ có thể hướng tới đối tượng sinh con thứ ba, còn với các trường hợp sinh con lần đầu hay lần hai thì đây là quyền của họ. Tuy nhiên, dữ liệu dân số là thông tin cơ bản để hoạch định chiến lược không chỉ cho ngành dân số mà còn cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội và còn dùng để định hướng xã hội, bởi vậy rất cần có nghiên cứu, công bố khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.