Văn hóa

Tăng phí tham quan chùa Hương và nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội

Tiến Thành 06/12/2023 17:46

Theo quy định mới, phí tham quan di tích chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) thời gian tới sẽ tăng lên 120.000 đồng/lượt/khách. Mức cao nhất ở quy định cũ là 78.000 đồng.

Chiều 6-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười bốn, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND.

Cụ thể, Nghị quyết quy định phí tham quan một lượt với mỗi khách như sau: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70.000 đồng; di tích đền Ngọc Sơn 50.000 đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò 50.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 100.000 đồng; di tích Cổ Loa 30.000 đồng; di tích chùa Hương 120.000 đồng (trong đó có 2.000 đồng bảo hiểm khách du lịch); di tích đền Quán Thánh 10.000 đồng; làng cổ Đường Lâm 20.000 đồng; chùa Thầy 10.000 đồng; chùa Tây Phương 10.000 đồng.

Thời gian thực hiện sau khi Nghị quyết của HĐND thành phố và Quyết định của UBND thành phố có hiệu lực thi hành.

Về quản lý sử dụng phí, Nghị quyết quy định, đối với các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Ban Quản lý di tích và danh thắng, và di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long (Khu Hoàng thành và di tích Cổ Loa), đơn vị thu phí được giữ lại 90%, nộp ngân sách nhà nước 10%.

Đối với di tích chùa Hương, đơn vị thu phí nộp ngân sách nhà nước 85% (bao gồm kinh phí tôn tạo, tu bổ khu di tích và kinh phí tổ chức lễ hội cho Ban tổ chức lễ hội, xã Hương Sơn); để lại cho đơn vị thu phí 15%.

Đối với đền Quán Thánh, chùa Thầy, chùa Tây Phương, nộp ngân sách nhà nước 100%. Đối với làng cổ Đường Lâm, 100% phí tham quan được để lại cho đơn vị thu phí.

Nghị quyết cũng quy định, không thu phí Ngày Di sản văn hóa 23-11 đối với tất cả di tích; không thu phí ngày giỗ Thánh 20 tháng Tám âm lịch, các ngày mồng Một âm lịch hằng tháng trong năm tại di tích đền Ngọc Sơn; không thu phí ngày 30 và mồng 1, 2 Tết Nguyên đán, ngày lễ Phật Đản (15 tháng Tư âm lịch) tại chùa Hương; không thu phí các ngày 30 tháng Chạp âm lịch, ngày mùng 1, 2 Tết Nguyên đán tại đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm.

Việc ban hành Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình, kế hoạch đảm bảo lộ trình tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm bảo đảm triển khai các hoạt động của đơn vị và phù hợp với tình hình thực tế, giảm ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động đơn vị sự nghiệp công, nâng cao quyền tự chủ của đơn vị, tạo động lực và thúc đẩy sự phát triển của việc cung cấp sản phẩm dịch vụ công, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của công chúng.

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Đây là động lực để cán bộ, viên chức, người lao động của các đơn vị tích cực phấn đấu, đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, đem đến chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn phục vụ công chúng khi tới tham quan các điểm di tích.

Trước đó, Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về việc ban hành các quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền Quyết định của HĐND thành phố quy định phí tham quan mỗi lượt của một khách như sau: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 30.000 đồng; di tích đền Ngọc Sơn 30.000 đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò 30.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 30.000 đồng; di tích Cổ Loa 10.000 đồng; di tích chùa Hương cao nhất 78.000 đồng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng phí tham quan chùa Hương và nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.