Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng nặng, tạo mặt bằng mức phạt mới

Hiền Lương| 08/04/2010 06:19

Phạt gấp 10 lần mức cũ đối với hành vi họp chợ, mua bán hàng trên đường * Tăng gấp 5 lần mức phạt hành vi đổ trộm phế thải * Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm: phạt đến 200.000 đồng

* Phạt gấp 10 lần mức cũ đối với hành vi họp chợ, mua bán hàng trên đường
* Tăng gấp 5 lần mức phạt hành vi đổ trộm phế thải
* Đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm: phạt đến 200.000 đồng

(HNM) - Không chỉ cho phép thí điểm tăng cao mức phạt vi phạm luật giao thông đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghị định 34/2010/NĐ-CP được công bố chính thức hôm qua 7-4 còn lập mặt bằng mức phạt mới trên cả nước. Đa số các hành vi vi phạm đều bị phạt cao hơn mức cũ. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 20-5 thay thế Nghị định 146/2007/NĐ-CP.

Người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Ảnh: Dương Hiệp


Mức phạt mới đủ sức răn đe?
Nghị định 34 dành mục 7, chương II với 4 điều quy định thí điểm áp dụng mức phạt cao hơn đối với một số hành vi vi phạm trong khu vực các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Mức tăng khá cao, so với mức chung cả nước trong quy định mới đã cao hơn từ 40-200%, so với mức cũ trong Nghị định 146, có hành vi bị phạt cao gấp 300-400%.

Chẳng hạn, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự đi không đúng phần đường, có nồng độ cồn trong máu, quay đầu xe không đúng nơi quy định, không chấp hành hiệu lệnh và đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên từ 1,4 đến 2 triệu đồng nếu hành vi đó diễn ra trong đường hầm hoặc lái xe đi ngược chiều, chạy quá tốc độ từ 10-20km/h. Đối với hành vi dừng xe hoặc đón, trả khách không đúng nơi quy định: phạt từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lần vi phạm.

Hành vi vi phạm tương tự nhưng đối với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 100-500 nghìn đồng. Trong đó, người điều khiển mô tô, xe gắn máy vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường một chiều hoặc vượt quá tốc độ cho phép 10-20km/h sẽ bị phạt từ 300-500 nghìn đồng. Mức này cao gấp 2,5 lần mức trung bình cả nước.

Bên cạnh hình phạt bằng tiền, lái xe ô tô, mô tô, xe máy vi phạm trong các trường hợp trên còn phải chịu hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày tùy từng trường hợp vi phạm.

Mức phạt đối với các hành vi liên quan đến người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ khác cũng cao gấp 2-3 lần mức phạt chung. Ngoài hình phạt tiền, nếu các loại xe trên không đăng ký hoặc không gắn biển (nếu địa phương có quy định) còn chịu thêm hình phạt bổ sung tịch thu xe. Người đi bộ không đi đúng phần đường, không chấp hành đèn tín hiệu cũng chịu mức phạt cao hơn so với cả nước từ 60.000 đồng đến 120.000 đồng (mức phạt chung cả nước đã cao gấp 1,5 lần so với mức cũ).

Mục 7, chương II của Nghị định 34 sẽ được thí điểm trong vòng 3 năm kể từ ngày có hiệu lực. UBND các TP là đô thị loại đặc biệt quy định cụ thể phạm vi khu vực nội thành để thực hiện việc thí điểm. Hằng năm, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ CA, UBND các TP là đô thị loại đặc biệt báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện thí điểm. Kết thúc thời hạn thí điểm, tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện báo cáo Chính phủ đề xuất chủ trương thực hiện tiếp theo.

Tăng nặng mức phạt chung, bổ sung nhiều quy định mới
Quy định chung trên toàn quốc cũng tăng gấp nhiều lần so với mức phạt cũ đối với nhiều hành vi. Nhiều hành vi, mức phạt tăng từ 5 đến 10 lần so với mức cũ. Ví dụ, hành vi đổ trộm phế thải trước chỉ bị phạt từ 2-3 triệu đồng, nay tăng lên 10-15 triệu đồng/lần vi phạm. Quy định mới cũng phân ra nhiều dạng vi phạm, chi tiết hơn quy định cũ.

Xe khách không chấp hành đúng luật giao thông sẽ bị phạt ở mức cao gấp 4 lần quy định cũ. Trong ảnh: CSGT kiểm tra một xe khách không chấp hành đúng quy định trên quốc lộ 32. Ảnh: Bá Hoạt


Hoạt động xe khách cũng được "chăm" hơn trong quy định mới với việc tăng mức phạt đến 4 lần quy định cũ. Chẳng hạn hành vi để khách lên xuống xe khi đang chạy, sang nhượng khách khi khách không đồng ý, chuyển khách xuống để trốn sự kiểm tra, xếp hàng trên xe làm lệch xe bị phạt từ 1-2 triệu đồng thay vì mức phạt từ 300-500 nghìn đồng như quy định cũ. Nghị định mới còn đưa thêm hành vi "hành hung hành khách" với mức phạt có thể lên tới 5 triệu đồng.
Mức phạt các hành vi áp dụng trên toàn quốc cũng được tăng lên đáng kể so với quy định tại Nghị định 146. Ví dụ, lái xe ô tô vượt đèn đỏ có thể bị phạt từ 600.000-800.000 đồng, cao hơn gấp đôi mức phạt cũ (200.000- 400.000 đồng). Mức phạt hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông đối với người điều khiển xe máy cơ bản giữ mức cũ từ 100-200 nghìn đồng, nhưng không mang theo giấy tờ xe hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bị tăng mức phạt thêm từ 20-40 nghìn đồng/lần vi phạm.

Quy định mới cũng không bỏ sót cả những loại xe vận chuyển chất thải, xe vệ sinh môi trường với mức phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển các loại xe này không chạy đúng tuyến, không đúng thời gian quy định và các quy định khác. Hành vi chiếm dụng lòng đường như họp chợ, mua bán dưới lòng đường vỉa hè gây cản trở giao thông bị phạt cao gấp 10 lần quy định cũ, lên tới 500 nghìn đồng.

Đối với hành vi đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định khi tham gia giao thông được quy định trong nghị định với mức phạt từ 100-200 nghìn đồng. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai đúng cách cũng bị phạt từ 100.000-200.000 đồng. Xe máy "kẹp" 3 sẽ bị phạt đến 200 nghìn đồng, trừ trường hợp chở người cấp cứu hoặc trẻ dưới 14 tuổi (quy định cũ là dưới 7 tuổi).

Nghị định cũng quy định nhiều hành vi mới và nhiều mức phạt mới cao hơn quy định cũ như: bấm còi, rú ga liên tục hoặc bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị... sẽ bị phạt tới 500 nghìn đồng, cao hơn 2,5 lần so với mức phạt cũ là 200 nghìn đồng; phạt tới 1 triệu đồng đối với các hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe máy quá tốc độ quy định hoặc đua xe trái phép.

Chi tiết Nghị định 34 có thể tìm xem tại đây.

Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý TNGT - Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ CA: Mức phạt cao để người dân nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông
Tôi cho rằng việc Nghị định số 34/2010/NĐ-CP Chính phủ mới ban hành tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm TTATGT sẽ tăng sức răn đe, giáo dục. Tăng mức xử phạt không phải là tạo nguồn thu cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào mà chính là để giáo dục, làm mọi người tự giác chấp hành Luật Giao thông hơn nữa vì chính hạnh phúc cả bản thân, gia đình và xã hội. Việc ban hành nghị định này là cả một quá trình nghiên cứu trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, TP trong cả nước làm sao cho phù hợp với điều kiện chung và đặc thù địa phương nên chắc chắn sẽ có hiệu quả thiết thực khi đi vào cuộc sống.

Trung tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 - CATP: Cơ sở để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ
Có một thực tế, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều hiện tượng chống đối, thậm chí tấn công cả CSGT. Là người nhiều năm trực tiếp tham gia điều hành giao thông tôi nhận thấy rằng nguyên nhân quan trọng để xảy ra tình trạng nhờn luật này chính là từ lâu chúng ta áp dụng chế tài xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Còn nhớ vào thời điểm cách đây hơn chục năm vào những năm 1990, khi đời sống nhân dân bắt đầu khấm khá, xe máy vừa là phương tiện giao thông quan trọng vừa là một khối tài sản lớn, việc CSGT ra quyết định xử phạt và giữ xe đã được coi là rất nghiêm khắc, tạo chuyển biến tích cực đối với người tham gia giao thông. Tôi cho rằng đã đến lúc cần có một chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, tạo hành lang pháp lý cho những người thực thi công vụ tạo sự tôn nghiêm của pháp luật. Cùng với ban hành các quy định phù hợp với thực tế cũng rất cần các cơ quan thông tin đại chúng và các đoàn thể nhân dân vào cuộc tích cực hơn để mọi người tham gia giao thông nắm được các quy định mới, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.

Dương Hiệp
(ghi)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng nặng, tạo mặt bằng mức phạt mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.