Hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Hoài Đức phát triển ổn định, với gần 3.100 con trâu, bò; hơn 31.500 con lợn và 378.500 con gia cầm...
Đáng chú ý, chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ yếu trong khu dân cư, nên huyện luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, không để lây lan dịch bệnh.
Hằng năm, huyện Hoài Đức đều chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, trung tâm đã phối hợp với các địa phương hoàn thành việc tiêm vắc xin đại trà đợt 1 năm 2024 và tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi theo chỉ đạo của thành phố. Cụ thể, gần 302.000 lượt con gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đã được tiêm vắc xin hỗ trợ để phòng các loại dịch, bệnh: Lở mồm long móng, tai xanh…
Đối với đàn gia súc, gia cầm nuôi thương phẩm và các loại vắc xin khác không được thành phố cấp, người chăn nuôi đều tự mua để tiêm, bảo đảm phòng dịch bệnh cho vật nuôi theo quy định. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã mua vắc xin để tiêm phòng cho 495 lượt con trâu, bò, 29.150 lượt con lợn, 250.510 lượt con gia cầm và 52 con chó, mèo...
Tại xã Tiền Yên, theo thống kê có 64.200 con gia cầm, 804 con lợn, 212 con bò, 303 con chó. Cán bộ thú y xã Tiền Yên Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin, xã đã tổ chức tiêm phòng cho 64.030 con gia súc, gia cầm trên cơ sở số vắc xin được cấp. Số lượng còn lại, các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện.
Chẳng hạn, gia đình anh Nguyễn Khắc Hợi ở thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên) chăn nuôi 10.000 con gà sinh sản, cùng với thực hiện tiêm vắc xin cho đàn gà trên cơ sở số liều được hỗ trợ, gia đình anh cũng tuân thủ nghiêm quy định, chủ động mua, tiêm các loại vắc xin phòng các bệnh, như cúm gia cầm, tụ huyết trùng, gumboro, newcastle… cho số gia cầm còn lại. Ngoài ra, mỗi tuần 2 lần, gia đình anh thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc môi trường. Nhờ đó, trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Hợi không bị dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Còn tại xã Vân Côn, nơi có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất huyện Hoài Đức, Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn cho hay, toàn xã có 242 con trâu, bò; 356 con lợn; 14.825 con gà, vịt, ngan và 171.000 con chim cút. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, UBND xã đã triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2024 cho 100% gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Trong tháng 5 vừa qua, xã tổ chức phun thuốc diệt ruồi, tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, sử dụng 111kg/lít hóa chất để phun trên tổng diện tích 136.200m2, tập trung ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, như: Cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, các điểm kinh doanh gia súc gia cầm, chợ, hệ thống cống rãnh, thoát nước trong khu dân cư…
Tương tự, tại xã Cát Quế, trong tháng 3 và tháng 4-2024, xã tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch bệnh các loại cho 100% số gia súc, gia cầm và tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt 97,6%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, việc tiêm vắc xin cho gia súc, gia cầm và tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, vừa góp phần tăng miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi, vừa kịp thời ngăn chặn các loại dịch bệnh. Đặc biệt là hạn chế, giảm thiểu sự tái phát, lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, như bệnh dại, cúm gia cầm...
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng huyện, các xã tập trung tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; duy trì giám sát, cập nhật thông tin về dịch bệnh để sớm phát hiện, xử lý kịp thời; tập trung thực hiện tốt công tác tiêm phòng đại trà vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 và tổ chức tiêu độc khử trùng theo chỉ đạo của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.