Chính phủ đề xuất thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN khi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương đã cận kề (ngày 1-7-2024).
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện
- Thưa Bộ trưởng, chỉ còn 10 ngày nữa là “đến hẹn” cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27, điều cả triệu người làm công ăn lương mong chờ. Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta sẽ thực hiện chính sách này như thế nào?
- Trước tiên, tôi phải nói rằng chúng ta đã rất cố gắng triển khai các nội dung công việc để tiến hành cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp và khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ. Ví dụ như tạo nguồn kinh phí cho cải cách chính sách tiền lương, xây dựng các bảng lương mới, hoàn thiện vị trí việc làm...
Thực hiện Kết luận số 64-KL/TƯ của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội: “Từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135-QĐ/TTg về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức tới 21 cuộc họp, thảo luận kỹ lưỡng về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024; đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
Ngày 31-5 vừa qua, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 46-TTr/BCSĐ trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến. Trong đó báo cáo rõ các căn cứ chính trị, pháp lý, các quan điểm, nguyên tắc và xác định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ; đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo các nguyên tắc của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ và quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ.
Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 còn những vướng mắc, bất cập. Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện và phải sửa đổi rất nhiều văn bản của Đảng và của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các chính sách gắn với mức lương cơ sở.
- Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể những bất cập đó là gì?
- Có 4 vấn đề đặt ra cần tháo gỡ khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27.
Thứ nhất, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong các bảng lương mới theo nguyên tắc của Nghị quyết số 27 có những bất cập. Tương quan tiền lương mới chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lương do đưa phụ cấp công vụ vào mức lương cơ bản mới. Đồng thời, tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang chưa bảo đảm tương quan chung giữa các đối tượng hưởng lương, dẫn đến thiếu công bằng, chưa hợp lý trong các bảng lương mới.
Bên cạnh đó, mức lương thấp nhất trong khu vực công còn thấp so với mức tăng lương mới bình quân của công chức và so với mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp, gây tâm tư không tốt khi cải cách tiền lương.
Do quan hệ mức lương thấp nhất (nhân viên bậc 1) - trung bình (chuyên viên bậc 1) - chuyên gia cao cấp (bậc cao nhất) tương ứng là 4,5 triệu - 6,5 triệu - 29 triệu đồng/tháng (tính theo đúng Nghị quyết số 27) còn thấp và do số lượng có rất nhiều chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, dẫn đến việc xây dựng bảng lương chức vụ áp dụng đối với những người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở (cấp xã) theo các nguyên tắc tại Nghị quyết số 27 là rất khó khăn, chưa thể hiện được rõ vị trí, vai trò của người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cấp bậc chức vụ khác nhau.
Mặt khác, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo sẽ rất phức tạp do nhiều bậc lương cũ xếp vào một mức lương chức vụ mới dẫn đến có nhiều trường hợp từ cấp vụ, cấp sở và tương đương trở xuống đến cấp xã khi xếp vào mức lương chức vụ mới thì bị giảm so với lương hiện hưởng dẫn đến tâm tư và giảm động lực làm việc. Đồng thời, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thì số lượng chức danh, chức vụ lãnh đạo là rất nhiều và đa dạng nên việc xác định các chức danh tương đương để thực hiện áp dụng bảng lương chức vụ mới là rất khó khăn. Việc bảo lưu đối với các trường hợp bị giảm so với lương cũ cũng rất phức tạp khi thực hiện.
Ngoài ra, chúng ta phải sửa đổi rất nhiều quy định của Đảng và của pháp luật về các chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở. Nếu bãi bỏ mức lương cơ sở mà chưa kịp thời sửa đổi các văn bản này sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách liên quan, gây tâm tư, thắc mắc của các đối tượng thụ hưởng và không được sự đồng thuận của xã hội, tạo tâm lý bất ổn trong một bộ phận lớn nhân dân khi cải cách tiền lương.
Thêm vào đó, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và từ ngày 1-7-2024. Khi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương và mở rộng quan hệ tiền lương lên 1-2,68-12 dẫn đến có nhiều thay đổi về mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu của người hưởng lương khu vực công, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa thời điểm nghỉ hưu trước và từ ngày 1-7-2024, cần phải có giải pháp xử lý (khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội) để bảo đảm tương quan giữa những người nghỉ hưu.
Thứ hai, do thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương (từ 40%/60% hiện nay thành 30%/70%), đồng thời do bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới dẫn đến nhiều tâm tư của những cán bộ, công chức, viên chức không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, rất phức tạp khi thực hiện. Sẽ có trường hợp có nhiều năm công tác (đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề ở mức cao), đang công tác ở vùng khó khăn (mức phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút mức 70%…) khi thực hiện chế độ tiền lương mới, tiền phụ cấp được hưởng thấp hơn mức hiện hưởng rất nhiều.
Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương, song việc này thực hiện còn nhiều hạn chế. Đây là vấn đề rất khó và phức tạp, đến nay cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng; đồng thời Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chưa trình Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, dẫn đến khó khăn và chưa bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện trả lương mới theo vị trí việc làm.
Thứ tư, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực có liên quan còn hạn chế, đặc biệt là việc sắp xếp và thực hiện chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước đạt kết quả thấp.
Tăng lương khu vực công
- Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung căn cốt về chính sách tiền lương sẽ thực hiện từ ngày 1-7 tới?
- Sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19-6-2024, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện Nghị quyết số 27 đối với khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.
Theo đó, thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện. Còn 2 nội dung chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới, do phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng; đồng thời phải rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định liên quan đến mức lương cơ sở.
Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1-7-2024 với 3 nội dung.
Một là, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Theo tính toán của Bộ Tài chính khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.
Hai là, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý. Đối với một số bộ, ngành đang đề xuất có chế độ phụ cấp theo nghề, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ba là, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp.
Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ thì từ ngày 1-7-2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6-2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1-7-2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.
- Giải pháp này có đáp ứng được các nguyên tắc và mục tiêu mà Nghị quyết 27 đặt ra, thưa Bộ trưởng?
- Các phương án trên là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới), có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội. Các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức, phù hợp với yêu cầu của Đảng và các quy định của pháp luật có liên quan. Bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở , tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.
Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc này cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Phương án trên bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024-2026. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026 tăng thêm là 913,3 nghìn tỷ đồng. Với số tiền này, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá một số nội dung của Nghị quyết số 27 (nhất là việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới) bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, tổng thể phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước và sẽ tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương khi đủ điều kiện, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.