(HNM) - Khi các chính sách về bảo hiểm xã hội đang được hoàn thiện nhằm tiến tới mục tiêu 50% số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020, việc đa dạng hóa các phương pháp truyền thông là giải pháp quan trọng. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đã có nhiều gợi mở với những mô hình truyền thông mới, đặc biệt là việc vận dụng truyền thông mạng xã hội để tăng hiệu quả lan tỏa của thông điệp.
Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức sẽ giúp người dân có niềm tin, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội. |
Kém hấp dẫn, chưa phong phú
Gần đây, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện khảo sát về hoạt động truyền thông trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi khảo sát 3 fanpage (trang giao lưu, tương tác) bảo hiểm xã hội, 2 fanpage bảo hiểm y tế có lượng tương tác lớn nhất, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền đã đưa ra đánh giá: Ngành Bảo hiểm xã hội đã sử dụng mạng xã hội vào công cuộc tuyên truyền, quảng bá thông tin tới công chúng. Các điều luật, thông tư, thay đổi về bảo hiểm đều được cập nhật lên fanpage để đông đảo người dân được biết. Tuy nhiên, lượng thông tin chia sẻ còn nghèo nàn, số lượng rất hạn chế, dẫn đến việc tương tác (thích, chia sẻ, bình luận) cũng rất ít, thậm chí nhiều bài đăng còn không nhận được tương tác. Các fanpage làm việc chưa thật sự hiệu quả. Khi công chúng đặt câu hỏi, thắc mắc hay bày tỏ thái độ với những vấn đề được đăng tải, số lượng phản hồi thường rất ít. Điều này khiến công chúng có cảm giác, cơ quan Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chia sẻ tin bài lên Facebook cho đủ số lượng chứ không quan tâm hiệu quả thật sự.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc quản trị hoạt động trên các fanpage còn chưa thực sự chuyên nghiệp, tin tức cập nhật còn mang tính ngẫu hứng, tần suất thất thường, chưa phát huy được hết hiệu quả của hoạt động truyền thông trên Facebook. Ngoài ra, việc chính danh hóa các fanpage bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được thực hiện khiến công chúng khó nhận biết fanpage chính thức để có thể tìm đọc, dẫn đến nguy cơ bị người khác mạo danh để cung cấp thông tin sai lệch hoặc lợi dụng vào mục đích kinh tế khác.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sơn Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), dù đã chú ý nhiều hơn tới việc sử dụng các ứng dụng truyền thông mới, song truyền thông về bảo hiểm xã hội hiện vẫn hoạt động theo nguyên lý “truyền thông chính sách”. Trên trang web chính thức của các cơ quan Bảo hiểm xã hội, thông tin chủ yếu được hiển thị bằng văn bản, có kết nối đến các văn bản khác như luật, nghị định… Do đó, hoạt động này còn khuôn mẫu, khô khan, chưa phong phú.
Vận dụng mạng xã hội
Để hoạt động truyền thông đạt hiệu quả, đặt biệt là với học sinh, sinh viên, Thạc sĩ Lê Thu Hà, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng cần tận dụng lợi thế của các trang web nhà trường. Theo đó, việc xây dựng mục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên các trang này giúp thông tin dễ nhận diện và được tiếp cận trực tiếp, đồng thời giúp khai thác hiệu quả tài nguyên thông tin với hình thức thể hiện phong phú, đa dạng. Tại đây, các bên liên quan có thể xây dựng các chuyên mục nhỏ như phổ biến văn bản, quy định mới; đăng tải bài viết, video, tài liệu âm thanh, thông tin đồ họa, giao lưu trực tuyến, liên kết với mạng xã hội... Tuy nhiên, việc tổ chức nội dung và thực hiện công việc này đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về nhân lực, kinh phí và ý tưởng.
Về việc sử dụng fanpage trong truyền thông, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền đề xuất: Ngành Bảo hiểm xã hội cần chủ động tham gia “cuộc chơi” của truyền thông xã hội, trước tiên thông qua việc thiết lập trang fanpage chính thức của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam với danh tính được xác nhận. Tiếp đó là xây dựng kế hoạch truyền thông và phác thảo rõ lộ trình xây dựng hình ảnh, uy tín cho các tổ chức. Việc xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, chuyên trách về quản lý truyền thông mạng xã hội sẽ giúp fanpage của cơ quan Bảo hiểm xã hội phát huy sức mạnh của nguồn tin, làm tăng giá trị của thông tin. Đội ngũ này cũng sẽ chịu trách nhiệm giúp cơ quan Bảo hiểm xã hội định hướng thông tin trên Facebook, xử lý những bình luận lệch lạc của công chúng, giữ uy tín của cơ quan Bảo hiểm xã hội và ý nghĩa của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến bảo hiểm xã hội… Nhóm chuyên trách phải là những người có tư duy sáng tạo, giúp cơ quan Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, đề xuất chiến lược sử dụng hiệu quả truyền thông xã hội, đảm trách các hoạt động quảng bá thông tin, thu thập và xác minh nguồn tin thông qua truyền thông xã hội cũng như tương tác với công chúng…
Tiến sĩ Nguyễn Sơn Minh lưu ý việc nghiên cứu và áp dụng sản phẩm truyền thông viral video (video lan truyền). Nội dung trong một viral video đơn giản, dễ tiếp nhận, dễ được chia sẻ. Hàng chục nghìn cán bộ, viên chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là tiền đề rất tốt để viral video dễ dàng lan tỏa trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh tới mô hình truyền thông “tham gia”, trong đó, người dân chủ động thiết kế hoạt động và giao tiếp với nhau. Những chủ đề của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoàn toàn có thể được nêu ra dưới dạng chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, kể chuyện, câu hỏi trắc nghiệm, xử lý tình huống và giải đáp thắc mắc… Đây là mô hình được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, tính đặc thù của nó là gắn kết và phát triển cộng đồng.
Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, trong bất kỳ hoạt động truyền thông nào, muốn đạt hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là bảo đảm tính minh bạch của hệ thống để tạo niềm tin, vì chỉ khi tin và hiểu thì người dân mới chủ động tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.