Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giám sát, kịp thời “gỡ vướng”

Võ Lâm| 08/09/2011 07:13

(HNM) - Cải tạo chung cư cũ, bán


Tháo dỡ tháp nước cũ Trung Tự, vấn đề được nhiều cử tri quận Đống Đa quan tâm, kiến nghị.    Ảnh: X.Long

Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP Hà Nội vừa làm việc với Sở Xây dựng, một trong những sở có lượng công việc liên quan đến rất nhiều kiến nghị của công dân. Dù chỉ đề cập đến 7 kiến nghị trong cuộc làm việc, nhưng những vấn đề đặt ra trong quản lý đô thị đã cực kỳ rắc rối. Có thể kể đến việc giải tỏa tháp nước Trung Tự (quận Đống Đa). Cử tri kiến nghị từ kỳ họp thứ 18 HĐND TP khóa XIII, nhưng đến nay đã là HĐND TP khóa XIV, tháp nước nghiêng đe dọa tính mạng và tài sản của người dân này vẫn chưa được giải tỏa. Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh quyết liệt: "TP giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý. Nội bộ công ty tự ý cho thuê, không được phép của TP. Bây giờ công ty đương nhiên phải trả lại mặt bằng, sao lại đặt ra vấn đề GPMB. Đây là việc cấp bách, TP không thể chờ được". Khi các thành viên chất vấn về trách nhiệm đối với vụ việc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định: "Trách nhiệm là của Công ty Quản lý và Phát triển nhà TP do buông lỏng quản lý. Chúng tôi hứa sẽ xử lý xong tháp nước Trung Tự trong quý IV-2011".

Vấn đề tháp nước Trung Tự có thể định ra thời hạn giải quyết, nhưng nhiều vấn đề không ai dám đưa ra câu trả lời tương tự. Việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ là một ví dụ. Những công việc làm cơ sở đầu tiên như rà soát, phân loại khoảng 900 chung cư cũ trên địa bàn TP vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, các dự án đang triển khai và những dự án cần triển khai đều có chung tình trạng "bế tắc". Đối với các dự án đang triển khai, như nhà B14 Kim Liên, hiện nay, người dân và nhà đầu tư vẫn mâu thuẫn về lợi ích. Nhà đầu tư xin được nâng tầng chung cư, có nghĩa là giảm được suất đầu tư, nhưng lại không chia sẻ "nguồn lợi" đó với người dân. Đây là vấn đề khiến ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP đưa ra nhận xét: "Nếu cứ để chủ đầu tư lập dự án, lập quy hoạch thì họ chỉ làm những gì có lợi cho họ. Chưa kể sẽ hình thành cơ chế "xin - cho". TP sẽ chịu thiệt vì quy hoạch bị phá vỡ, trong khi không biết bao giờ mới ra được dự án xây dựng mới chung cư cũ". Mặt khác, Bộ Xây dựng đang xây dựng văn bản mới, trong đó quy định chặt chẽ kiểm soát tầng cao nhà chung cư trong khu vực nội đô Hà Nội. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp không mặn mà với các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ.

Bỏ cách tư duy máy móc

Chưa hết, việc bán nhà theo Nghị định 61/CP ở Hà Nội vẫn gặp rắc rối cho dù Chính phủ đã 3 lần cho phép gia hạn. 30% trong số 15.000 hồ sơ TP nhận từ năm 2010 thuộc diện khó giải quyết vì người dân muốn mua diện tích sử dụng chung, trong khi thủ tục để hợp thức hóa diện tích này cực kỳ phức tạp. Nhiều người không muốn mua nhà, trong khi Chính phủ vẫn chưa quyết định xếp những căn nhà không mua đó vào dạng gì để quản lý. Một lý do được đưa ra để lý giải tại sao nhà tái định cư có chất lượng thấp là vì "suất đầu tư thấp". Điều này cho thấy, cơ chế, chính sách được các cơ quan có thẩm quyền nhìn nhận còn rất cứng nhắc. Quy định suất đầu tư thấp ảnh hưởng đến chất lượng nhà tái định cư, tại sao các cơ quan có thẩm quyền không kiến nghị để tăng suất đầu tư, bảo đảm chất lượng. Xây dựng nhà ở cho dân, điều quan trọng nhất là an toàn. Khi xảy ra thực tế đe dọa mục tiêu đó, các cơ quan có trách nhiệm không thể cứ "im hơi lặng tiếng" cho qua như vậy.

Một thực tế khác cũng rất đáng quan tâm là vấn đề tổ chức quản lý các tòa nhà chung cư. Thông tư 08 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thành lập ban quản trị của mỗi tòa nhà, gồm thành viên là đại diện các hộ gia đình đang sinh sống tại đó. Nhưng trên thực tế, chủ yếu các cụ già về hưu tham gia ban quản trị các tòa nhà, nhiều người không có chuyên môn về tu sửa, bảo dưỡng nhà cửa. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: "Thông tư 08 không đi vào cuộc sống. Nhiều người tham gia ban quản trị tòa nhà chỉ để cho vui, trong khi đó nhiệm vụ của ban quản trị đòi hỏi trình độ chuyên môn, trách nhiệm công tác đáng kể". Trong khi đó, nhiều mô hình quản lý khác, như thành lập công ty quản lý, trong đó một vài thành viên tòa nhà được cử làm đại diện trong hội đồng quản trị, cho thấy tính hiệu quả; nhưng lại chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Bộ Xây dựng chưa sửa Thông tư 08, trong khi nhu cầu quản lý hàng trăm tòa nhà chung cư ở Hà Nội vẫn hằng ngày chờ đợi.

Từ cuộc giám sát này, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã yêu cầu Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan, với vai trò tham mưu cần chủ động, linh hoạt vận dụng các cơ chế, chính sách; đồng thời quyết đeo bám để kiến nghị cấp trên, nhất là những vướng mắc. Chỉ có quyết tâm cao trên tinh thần trách nhiệm hết sức, những vấn đề mà cử tri kiến nghị nhiều lần, khó giải quyết mới có "lối thoát".

Có thể nói, nhiều vấn đề quản lý và phát triển đô thị Hà Nội liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh có nhu cầu được giải quyết ngày càng cấp bách. Trong khi việc giải quyết liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và còn nhiều vướng mắc, thì sự chủ động trên tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan TP có ý nghĩa quyết định tiến độ giải quyết vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng giám sát, kịp thời “gỡ vướng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.