(HNM) - Những ngày gần đây, hai vấn đề nóng được dư luận quan tâm là phương án tăng giá điện đang chờ Chính phủ phê duyệt và sự "ngấp nghé" tăng giá xăng dầu. Đại diện "người trong cuộc" và nhiều người dân Thủ đô đã bày tỏ ý kiến xung quanh việc này.
Ông Đàm Quang Dũng (Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình):
Xăng dầu tăng giá là tất yếu
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc giá xăng dầu không thể không tăng. Thứ nhất là tăng để hạn chế lỗ cho các DN kinh doanh xăng dầu. Theo tính toán sơ bộ, mỗi lít xăng dầu bán ra đang lỗ trên dưới 3.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình bán khoảng 36 triệu lít, đứng thứ 4 trong toàn Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam về lượng bán ra, thử hỏi mỗi tháng, ngành xăng dầu phải bù lỗ bao nhiêu tỷ đồng? Thứ hai, việc mới đây Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD khiến DN đầu mối dùng USD nhập khẩu xăng về bán thu tiền Việt Nam đồng đã lỗ càng thêm lỗ. Thứ ba, việc tăng giá xăng là đúng lộ trình theo quy định của Nghị định 84, điều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Người tiêu dùng cũng phải quen dần với việc giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu ngang bằng với giá các nước trong khu vực, đây là điều bình thường trong quá trình hội nhập. Hiện cơ chế quản lý giá xăng dầu đang tồn tại mâu thuẫn: Các DN không được tự ý bán xăng theo giá thị trường, nhưng cũng không được bù lỗ. Quỹ bình ổn giá chỉ tồn tại trên lý thuyết, thực tế thì đã bao giờ DN kinh doanh xăng dầu có lãi mà tích lũy được quỹ? Để tự mình cứu mình trước cơn lốc giá xăng dầu thế giới tăng nhanh, liên tục trong thời gian dài từ tháng 11-2010 đến nay, các DN xăng dầu đã tự cắt giảm chi phí bằng cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm làm giảm hao hụt trong quá trình vận chuyển, tồn chứa; giảm chi phí vận tải... Thế nhưng, hiệu quả thu được cũng chỉ như "muối bỏ bể", DN đang rất mong Chính phủ phê duyệt phương án tăng giá xăng dầu tiệm cận với giá thị trường để trước hết là mong bớt lỗ.
Ông Trần Xuân Hùng (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín):
Việc tăng giá xăng nằm trong lộ trình thị trường hóa
Hiện nay giá xăng dầu ở nước ta rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dẫn đến hiện tượng buôn lậu xăng dầu ồ ạt qua biên giới, trong khi DN kinh doanh xăng dầu trong nước thì phải chịu thua lỗ. Việc Chính phủ giữ ổn định giá xăng dầu qua dịp Tết Nguyên đán Tân Mão nhằm bình ổn thị trường giá cả cuối năm, trong khi giá xăng dầu thế giới leo thang là một giải pháp đúng đắn, một nỗ lực lớn, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. Nhưng trong tình hình giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, thuế nhập khẩu xăng dầu không thể giảm hơn, Quỹ bình ổn giá cũng đã cạn, các công cụ tài chính đã sử dụng hết mà vẫn không bù lỗ được, thì rõ ràng người dân cũng phải "chia sẻ" gánh nặng này với Nhà nước và DN.
Bà Trịnh Thị Vân (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm):
Tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân đô thị
Một bài toán đơn giản thế này, gia đình tôi có bốn người thì có đến ba chiếc xe máy, người đi làm, người đi học, đi lại ít thì mỗi tuần cũng tiêu tốn gần chục lít xăng. Vì thế, khi các DN kinh doanh xăng dầu than rằng phải tăng thêm 3.000 đồng/lít mới đủ bù lỗ, người dân chúng tôi lo quá. Tính thê, mỗi tháng sơ sơ cũng phải bỏ thêm cả trăm nghìn cho khoản xăng dầu. Mà người dân sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, ngoài phương tiện di chuyển chính là xe máy thì cũng chỉ có thêm xe buýt, xe ta-xi, xe nào mà chẳng phải chạy bằng xăng dầu. Hiển nhiên, khi giá xăng tăng, thì các ngành hàng khác như dịch vụ vận tải, sản xuất hàng hóa cũng tăng theo, cuộc sống hằng ngày của người dân rõ ràng bị tác động trực tiếp, toàn diện. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các ngành hữu quan có quyết định tăng giá xăng thì cũng tăng từ từ, có phương án thích hợp để hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp...
Bà Lê Thị Hoa (phường Định Công, quận Hoàng Mai):
Cần cân đối lợi ích DN - người tiêu dùng và Nhà nước
Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, một thay đổi nhỏ trong việc kinh doanh mặt hàng này cũng có thể dẫn đến những xáo trộn lớn trong cuộc sống của người dân và sự phát triển của nền kinh tế. Việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ khiến nhiều mặt hàng khác tăng giá theo, gây bất ổn cho sự phát triển. Mà ngay cả khi chưa có quyết định chính thức tăng giá, nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu cũng đã tìm đủ cách để "găm hàng" chờ tăng giá, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Vì vậy, Nhà nước cần có các quy định cụ thể xử phạt những chủ cửa hàng xăng dầu có hành vi tích trữ, đầu cơ; cân đối lợi ích giữa ba bên để đưa ra một mức tăng hợp lý, hài hòa lợi ích giữa các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.