Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng đầu tư cho trường công lập khó khăn

Việt Tuấn| 25/09/2018 06:56

(HNM) - Đợt khảo sát của HĐND TP Hà Nội mới đây cho thấy, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học và ở các địa phương không đồng đều...

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội có 70% trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tăng cường đầu tư cơ sở vật chất từ ngân sách thành phố cho một số huyện gặp khó khăn.

Trường Mầm non xã Kim Chung, huyện Đông Anh luôn trong tình trạng quá tải.


Khó về kinh phí và diện tích

Dự kiến đến năm 2020, số trường mầm non và phổ thông công lập của Hà Nội là 2.277 trường (tăng 184 trường so với năm 2015); số trường đạt chuẩn quốc gia là 1.656 trường (tăng 553 trường so với năm 2015). Để đạt mục tiêu này, thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát chỉ tiêu, bố trí nguồn ngân sách đầu tư cho trường, lớp học.

Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo hiện vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Ở các huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, số trường đạt chuẩn quốc gia đạt dưới 50%. Ở các quận: Đống Đa, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, số trường đạt chuẩn quốc gia cũng thấp do thiếu đất để mở rộng trường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, hiện khu vực ngoại thành là khó khăn nhất, bởi nhiều huyện vừa phải lo đầu tư cho các trường để được công nhận đạt chuẩn, vừa phải tiếp tục đầu tư để công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với các quận, nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất không gặp khó khăn như các huyện, nhưng lại hạn hẹp về quỹ đất để mở rộng trường do số học sinh tăng.

Không chỉ khó khăn đối với cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm: “Hiện tại, ở khối trung học phổ thông (cấp học trực thuộc thành phố), tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cũng thấp. Một số trường trung học phổ thông như: Trần Nhân Tông, Trương Định, Ngọc Hồi, Ngọc Tảo…, cơ sở vật chất bị xuống cấp”.

Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ


Để giải quyết những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non và phổ thông công lập, đầu tháng 9-2018, Thường trực HĐND thành phố đã chủ trì cuộc họp với một số sở, ngành của thành phố để rà soát nhu cầu, phương án cải tạo sửa chữa và đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xây dựng tiêu chí để lựa chọn danh mục dự án trường học, ưu tiên hỗ trợ đầu tư từ ngân sách thành phố cho một số huyện khó khăn, có nguồn ngân sách thấp, trên cơ sở phát huy tính chủ động của các huyện trong việc xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình thực hiện chỉ tiêu trường học đạt chuẩn quốc gia của địa phương.

Việc xây dựng tiêu chí cần bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng giữa các đơn vị, ưu tiên nơi thiếu trường, thiếu lớp và bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Việc này các sở phải sớm hoàn thành để tham mưu cho UBND thành phố báo cáo Thường trực HĐND thành phố trong tháng 9-2018 và HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm nay.

Ngoài yêu cầu của Thường trực HĐND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất thêm một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2018-2020. Cụ thể, đối với các trường chưa được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia do thiếu tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, UBND các quận, huyện, thị xã cần đầu tư kinh phí giải quyết dứt điểm để trường được công nhận lại, rồi mới đầu tư xây dựng trường mới, tránh đầu tư dàn trải. Đối với các trường chưa đủ diện tích đạt chuẩn, đơn vị cần chủ động mở rộng diện tích hoặc chuyển đổi vị trí phù hợp với quy hoạch trường lớp, nhằm đạt hiệu quả lâu dài.

Theo đề xuất của các ban HĐND thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố nên ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp trung học phổ thông, vì đây là các trường thuộc thành phố, có tỷ lệ đạt chuẩn thấp. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các huyện Ba Vì, Phú Xuyên - hai địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp nhất thành phố (huyện Ba Vì đạt 38,9%, huyện Phú Xuyên đạt 35,2%).
Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị rà soát quỹ đất công và các cơ quan, doanh nghiệp khi có dự án di dời, để bổ sung quỹ đất xây dựng trường học ở các quận trung tâm thành phố, nhằm khắc phục tình trạng quá tải.

Dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí cho phương án cải tạo, sửa chữa và đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 là gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu phương án cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cho 12 huyện là hơn 2.500 tỷ đồng; nhu cầu phương án cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số đơn vị khó khăn là 351 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng đầu tư cho trường công lập khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.