(HNMO) - Chiều 9-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười bốn, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7-2022.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp đúng đắn chỉ đạo, điều hành nên mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót trước hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội và kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn lo lắng về việc quy hoạch xây dựng các chung cư cao tầng khu vực nội thành còn bất cập; hàng nghìn căn hộ, nền đất tái định cư bị “bỏ hoang” nhiều năm gây lãng phí...
Trong tháng, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ ba của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.029 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ ba, còn 1.405 kiến nghị (chiếm 87,2%) chưa được trả lời, chủ yếu là ở một số bộ có nhiều kiến nghị cử tri gửi đến. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 7-2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 6-2022.
Thảo luận về báo cáo, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn và các dịch bệnh khác đang có khả năng bùng phát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhắc lại tình trạng nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập nghỉ việc với số lượng lớn, dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế, nhất là y tế cơ sở. Từ năm 2021 và 6 tháng năm 2022, đã có 9.397 nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc với nguyên nhân lớn nhất là do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng.
“Thu nhập ở cơ sở y tế công lập có sự chênh lệch lớn đối với cơ sở y tế tư nhân”, ông Hoàng Thanh Tùng nhận định và cho rằng báo cáo công tác dân nguyện cần đề cập và đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Góp ý nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần đẩy nhanh việc thực hiện cải cách tiền lương để bảo đảm đời sống cho nhân viên y tế nói riêng và cán bộ, viên chức, người lao động nói chung.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, giá cả xăng dầu giảm nhưng giá các mặt hàng khác như lượng thực, nhu yếu phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… không giảm nhiều khiến dư luận nhân dân, doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng; đồng thời, thủ tục đăng ký kinh doanh cũng còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, giá bán sách giáo khoa cũng khiến phụ huynh học sinh cũng lo lắng trước thềm năm học mới...
Về tình trạng khiếu kiện tụ tập đông người, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, cần xem xét, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền; tổ chức giám sát sau khi thực hiện các quyết định, kết luận về giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo tại cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, khiếu kiện vượt cấp, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài.
Nhận định cần tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần nghiên cứu hình thức thông báo cho đương sự về việc cơ quan chức năng đã giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo; nếu còn chưa đồng thuận thì cần có quy trình, hướng dẫn đương sự thực hiện các thủ tục khởi kiện theo thủ tục hành chính, dân sự, tránh tình trạng người dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo, có giải pháp giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết từ sớm, từ cơ sở các vụ việc khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, khiếu kiện vượt cấp, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.