(HNM) - Theo Cục Thuế TP Hà Nội, qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện 17.963 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về dữ liệu khai thuế.
Hướng dẫn người dân làm tờ khai nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
- Chống thất thu ngân sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Thuế Hà Nội trong năm 2016 và đã thu được những kết quả khả quan. Ông có thể cho biết biện pháp và kết quả cụ thể?
- Năm 2016, Chính phủ chỉ đạo phải tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính đã tạo cơ chế mở, thông thoáng và thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho các DN có môi trường ổn định, phát triển để hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Sự thay đổi chính sách theo hướng thông thoáng sẽ tạo thuận lợi cho các DN, nhưng một số DN lại lợi dụng sự thông thoáng này để khai thiếu thuế, trốn thuế với hành vi ngày càng tinh vi và phức tạp, gây thất thu cho NSNN.
Trong bối cảnh đó, Cục Thuế Hà Nội xác định, nhiệm vụ thu ngân sách phải gắn liền với công tác kiểm tra chống thất thu thuế. Cục Thuế đã thành lập bộ phận phân tích dữ liệu để tổng hợp và phân tích dữ liệu khai thuế, báo cáo tài chính của DN, từ đó xác định các DN có rủi ro về dữ liệu khai thuế để triển khai thanh tra, kiểm tra điện tử. Kết quả rà soát đã xác định có 17.963 DN có dấu hiệu rủi ro về dữ liệu khai thuế. Căn cứ kết quả khai thác dữ liệu khai thuế của người nộp thuế, Cục Thuế đã xử lý 89% giao dịch, tổng số tiền thuế, tiền phạt phải nộp tăng 154 tỷ đồng.
Về công tác thanh tra, năm 2016 là năm đầu tiên Cục Thuế Hà Nội hoàn thành kế hoạch, là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra. Kết quả, Ngành Thuế Hà Nội hoàn thành 1.197 cuộc thanh tra, đạt 101,5% kế hoạch được giao, tổng số thuế truy thu, truy hoàn, phạt 1.171 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 148,7 tỷ đồng, giảm lỗ 5.056 tỷ đồng… Về công tác kiểm tra, Cục đã hoàn thành 15.884 cuộc kiểm tra, đạt 92,44% kế hoạch, tăng 64,9% so với năm 2015. Tổng số thuế truy thu, truy hoàn, phạt 2.106 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 130% so với năm 2015, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 586 tỷ đồng, giảm lỗ 1.758 tỷ đồng.
- Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các cấp chính quyền cơ sở trong phối hợp với cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ này?
- Kết quả đạt được trong năm qua là do sự triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp của Cục Thuế TP Hà Nội, đồng thời còn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của TP Hà Nội, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan chức năng.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu không thể không nhắc đến sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả giữa Cục Thuế và cơ quan công an. Thời gian qua, việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan công an đang ngày càng có chuyển biến tích cực và hiệu quả. Trong năm 2016, việc trao đổi thông tin phối hợp, xử lý giữa 2 cơ quan gần 1.000 vụ việc liên quan đến DN, xử lý truy thu thuế hàng chục tỷ đồng. Liên quan đến việc xử lý hóa đơn, sau khi có kết quả điều tra của cơ quan công an, cơ quan thuế đã xử lý 1.260 DN, tăng thuế giá trị gia tăng phải nộp 54,7 tỷ đồng, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp 42,297 tỷ đồng, xử phạt 15,79 tỷ đồng.
- Vậy những giải pháp chống thất thu nào sẽ được cơ quan thuế Hà Nội đẩy mạnh trong năm 2017, thưa ông?
- Năm 2017, cơ quan thuế Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, chủ động tham mưu, kiến nghị cơ chế chính sách thuế phù hợp thực tiễn để cộng đồng DN tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, Ngành Thuế Hà Nội sẽ tham mưu kịp thời cho thành phố chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp tốt với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thuế trên địa bàn. Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ phối hợp cùng cơ quan liên quan tăng cường thanh, kiểm tra chống thất thu NSNN, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế, nhất là các vi phạm về in, phát hành và sử dụng hóa đơn.
Cơ quan thuế cũng sẽ thực hiện đồng bộ quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, tăng cường các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế một cách có hiệu quả, thực hiện công khai thông tin các DN, chủ đầu tư nợ đọng thuế và các khoản thu về đất trên các phương tiện thông tin đại chúng…
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.