Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường quản lý, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại trường học

Xuân Lộc| 27/04/2022 07:24

(HNM) - Trong tháng 4-2022, lần đầu tiên thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học. Bước đầu mô hình này được thực hiện tại 215 trường tiểu học của 10 quận, huyện, sau đó sẽ nhân rộng trên toàn thành phố. Mô hình này được triển khai khi học sinh trở lại trường học sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra bếp ăn tại Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa). Ảnh: Trang Thu

Khống chế ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin; trong đó khối mầm non có 3.736 trường; tiểu học có 535 trường, còn lại là khối các trường trung học cơ sở; trung học phổ thông. Số trường học tự tổ chức nấu ăn là 3.967 trường; số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu là 484 trường; số trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn đưa từ bên ngoài vào là 87 trường. Trung bình 1 ngày, các trường học cung cấp 117.024 suất ăn cho học sinh.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong quản lý. Nhờ đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức, thực hành của người chế biến tại các bếp ăn tập thể đã được nâng lên.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học vẫn còn tồn tại những hạn chế. Điển hình là nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ý thức của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, ý thức của cô nuôi trong thực hành an toàn thực phẩm còn chưa cao, dụng cụ chứa đựng chất thải không có nắp đậy, không được vận chuyển thu dọn hằng ngày… Do đó, tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ giai đoạn 2010-2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, nhưng không ghi nhận trường hợp tử vong, trong đó ngộ độc tại bếp ăn tập thể là 17 vụ (chiếm 63,0%), bếp ăn tập thể trường học 8 vụ (chiếm 47,1%). Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do vi sinh vật chiếm trên 40%.

Trước thực tế trên, trong tháng 4-2022, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm (giai đoạn năm 2022 và 2023) tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, với mô hình này, thành phố đặt ra mục tiêu, tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm...

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá, Hà Nội luôn là một trong những địa phương đi đầu trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học. Việc Hà Nội triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học vào thời điểm này là vô cùng phù hợp, nhất là ngay sau khi học sinh trở lại trường sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến do dịch Covid-19.

Đáp ứng 11 tiêu chí về điều kiện an toàn thực phẩm

Ngoài tiêu chí về hồ sơ, thủ tục pháp lý như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết trách nhiệm, niêm yết công khai nguồn gốc nguyên liệu tại trường, theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, khi tham gia vào mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm, các bếp ăn tập thể trường tiểu học còn phải đáp ứng 11 tiêu chí về điều kiện an toàn thực phẩm, gồm: Vị trí bếp ăn tách biệt nguồn gây ô nhiễm; nơi chế biến thiết kế theo nguyên tắc một chiều; có dụng cụ chứa đựng rác thải và được chuyển đi trong ngày; đủ nước sạch; trang thiết bị dụng cụ nhà bếp phải bảo đảm thích hợp với từng loại thực phẩm; có hợp đồng mua bán thực phẩm với cơ sở đủ điều kiện pháp lý; ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; những người tham gia bếp ăn được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; kiểm tra sức khỏe định kỳ những người tham gia bếp ăn; có kho bảo quản thực phẩm; bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội giao cho Chi cục là cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học năm 2022-2023. Để triển khai mô hình này, trong tháng 4-2022 thành lập tổ giám sát về an toàn thực phẩm của mô hình tại các trường và tuyến quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn. Đến tháng 5-2022 sẽ tiến hành đánh giá, giám sát ban đầu về các quy định điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học và kiến thức, thái độ, thực hành của người lãnh đạo quản lý, người chế biến, kinh doanh, cô nuôi. Việc kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường tiểu học sẽ được triển khai định kỳ (tối thiểu 4 lần/năm/trường).

Để mô hình này đạt hiệu quả, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ rà soát quy trình chuẩn từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm cho các trường học. Ngay trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn sẽ đồng loạt ra quân, đồng thời phối hợp với ban lãnh đạo các trường học kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.