Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường kiểm soát thị trường sữa

T.Hương| 15/04/2013 10:55

(HNMO) - “Nếu mặt hàng này ảnh hưởng lớn đến người dân sẽ kiến nghị đưa vào danh mục bình ổn để thực hiện quản lý theo Luật Giá”.

Ảnh minh họa


Tại cuộc họp báo quý 1-2013 của Bộ Tài chính mới diễn ra, trước thắc mắc của phóng viên về việc hiện nay một số doanh nghiệp kinh doanh sữa “biến” sữa dành cho trẻ em thành thực phẩm dinh dưỡng bổ sung để tăng giá vô tội và mà không bị kiểm soát về giá, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Sản phẩm dinh dưỡng nằm trong danh mục thức ăn bổ sung trong đó có sữa đậu nành, sữa chua... Trước tình hình một số doanh nghiệp tăng giá sữa, ngày 12-3-2013, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3181 đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; đồng thời có Công văn số 3080 gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và kiểm tra.

Ngay tại cuộc họp Tổ thị trường trong nước tháng 2, tháng 3, Bộ Tài chính đã kiến nghị Bộ Công thương cần sớm có cuộc họp liên ngành bàn vấn đề quản lý giá đối với mặt hàng sữa, đặc biệt trên 3 khía cạnh: thương phẩm (tên gọi chuẩn hóa là gì); chất lượng; giá cả. Trên cơ sở đó, có kiến nghị lại bộ, ngành liên quan xem xét, nếu mặt hàng này ảnh hưởng lớn đến người dân sẽ kiến nghị đưa vào danh mục bình ổn để thực hiện quản lý theo Luật Giá.

Theo ông Tuấn, tên gọi mặt hàng này rất phức tạp, cần giám sát kỹ. Theo quy chuẩn của Bộ Y tế, những mặt hàng chứa sữa có độ đạm trên 30% gọi là sữa, còn dưới mức này thì gọi là thức ăn bổ sung và thực phẩm dinh dưỡng. Muốn giải quyết vấn đề trên, trước hết phải chuẩn hóa tên gọi của sản phẩm.

Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng. Trên cơ sở tiêu chuẩn này, nhiều sản phẩm trước đây được ghi là sữa và đăng ký giá tại Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã được doanh nghiệp thay đổi tên gọi và đăng ký với tên gọi mới như thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... Theo quy định của Luật giá, các sản phẩm là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá.

Ông Tuấn cũng cho biết, không riêng gì mặt hàng sữa mà đối với những mặt hàng có ảnh hưởng tới người dân sẽ xem xét một cách nghiêm túc, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm soát giá cả, đem lại lợi ích thực sự cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm soát thị trường sữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.