(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn cả nước, nhu cầu tái đàn và sử dụng sản phẩm động vật tăng cao nên tiềm ẩn nguy cơ vận chuyển, kinh doanh động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường...
Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Trì Nguyễn Khả Khoa, trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện có cơ sở giết mổ ở xã Vạn Phúc, hằng ngày giết mổ 1.800-2.000 con lợn thương phẩm, 60% trong số đó được nhập từ các tỉnh, thành phố. Để bảo đảm công tác phòng dịch và an toàn thực phẩm, trạm phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển lợn về giết mổ tại cơ sở trên.
Về lĩnh vực này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, 7 chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố đã kiểm tra hơn 4,9 triệu động vật, sản phẩm động vật nhập về thành phố tiêu thụ. Để kịp thời xử lý trường hợp vi phạm, kinh doanh động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng chức năng hướng dẫn chủ hàng, chủ phương tiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y, chú trọng thực hiện kiểm dịch, vệ sinh thú y trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...
Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật còn khó khăn do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hà Nội và các tỉnh còn nhiều. "Theo quy định của Luật Thú y, chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh; bỏ quy định kiểm dịch theo số lượng, khối lượng nên đã gây khó khăn cho cơ quan thú y trong kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý an toàn thực phẩm", Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Để ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, các ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các chủ hộ kinh doanh động vật ký cam kết với các cơ sở giết mổ, buôn bán động vật và sản phẩm động vật chỉ lấy hàng có nguồn gốc xuất xứ; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch từ các tỉnh về thành phố theo quy định. Như vậy mới tạo được sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Văn Tuấn, huyện tiếp tục phối hợp với các xã đẩy mạnh chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư; đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện và chợ dân sinh để xử lý kịp thời vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh động vật...
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm dịch đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển lưu thông trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, Sở phối hợp với Sở Công Thương, Công an thành phố tăng cường hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố. Mặt khác, Sở NN&PTNT cũng tăng cường phối hợp với lực lượng thú y của 24 tỉnh, thành phố trong việc thúc đẩy xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, nâng cao tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.