(HNM) - Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro, Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoạt động vào cuối năm 2023. Để tuyến hoạt động hiệu quả, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh việc kết nối các tuyến và hình thức giao thông liên kết với metro số 1, qua đó, tăng năng lực giao thông cho toàn tuyến và thành phố.
Lần đầu tiên được trải nghiệm đi tàu metro vào cuối tháng 4 vừa qua, chị Lê Thanh Ngọc (thành phố Thủ Đức) chia sẻ: “Tàu đẹp, hiện đại, ngồi êm ru và thoải mái, an toàn. Thời gian tới, tôi rất mong thành phố xây dựng thêm cầu vượt bộ hành kết nối tuyến nhằm tạo thuận lợi và thu hút người dân đi lại trên tuyến metro”.
Theo ghi nhận, lộ trình của tuyến metro số 1 từ trung tâm thành phố đến khu vực cầu Sài Gòn đã có bến đậu xe, trạm đón xe buýt kết nối. Bên cạnh đó, các cầu bộ hành tại Ga Phước Long, Bình Thái, Khu công nghệ cao đang xây dựng. Các cầu còn lại cũng được các đơn vị thi công khẩn trương thực hiện các phần việc liên quan để có thể sớm thi công, đưa vào sử dụng đồng bộ với tuyến metro vào cuối năm nay.
Để tuyến metro số 1 hoạt động hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính cho rằng, thành phố cần sớm kết nối hệ thống metro với các tuyến xe buýt. Trong đó, xây dựng hạ tầng đồng bộ chạy dọc tuyến metro như cầu vượt bộ hành; nhà chờ xe buýt, khu vực đón trả khách dành cho xe buýt, taxi; bãi đậu xe buýt, xe cá nhân…
Để tăng tính kết nối với hạ tầng đường bộ, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết, MAUR đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cầu bộ hành, hoàn thành vào cuối năm 2023 cùng thời điểm tuyến metro số 1 đưa vào hoạt động. Theo đó, có 9 cầu bộ hành được xây dựng nối nhà ga metro băng qua đường (trên cao). Các cầu vượt đi bộ được xây dựng kết nối các ga Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia. Mỗi cầu dài khoảng 78m, rộng 3,5m.
Cầu bộ hành có hai đầu, kết nối 2 bên đường của Xa lộ Hà Nội và 2 đường song hành với nhà ga. Điều này giúp người dân dễ dàng di chuyển từ khu dân cư, trung tâm thương mại vào nhà ga trên cao. Ngoài ra, cầu bộ hành cũng kết nối với các điểm dừng chờ xe buýt nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nhà ga.
Đồng thời, trong quý IV-2023, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (chủ đầu tư, thuộc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) sẽ triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1”. Theo đó, xung quanh 10 ga trên cao của tuyến metro số 1 chạy dọc Xa lộ Hà Nội đến Ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh) sẽ được xây dựng các trạm dừng, nhà chờ xe buýt. Cùng với đó, bên trong các nhà ga trên cao đều có thiết kế rộng khoảng 1.500m2 để làm bãi đỗ xe máy, dự kiến có thể chứa được khoảng 500 chiếc/bãi.
Riêng khu vực Nhà ga Văn Thánh được xây bãi đậu rộng hơn 1.600m2 để các xe buýt sau khi đón trả khách trước nhà ga đến bãi chờ tải. Cùng với đó sẽ cải tạo vỉa hè đường song hành và Xa lộ Hà Nội, tăng khả năng tiếp cận cho khách đi bộ đến các nhà ga metro.
“Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng sẽ mở mới và điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến xe buýt nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nhà ga metro thuận lợi hơn”, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Lê Hoàn thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.