Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường hoạt động giám sát vì lợi ích của người dân

An Trân| 06/01/2013 06:34

(HNM) - Năm 2012. HĐND TP Hà Nội thực hiện 5 đợt giám sát của Thường trực HĐND và nhiều cuộc khảo sát, giám sát của các ban thuộc HĐND, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề nóng và khó như quản lý quỹ đất công, nhà công;...

Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt.


Nhiều dấu ấn trong hoạt động giám sát

- Năm 2012, HĐND TP đã chọn đổi mới giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là Phó Chủ tịch HĐND, ông có thể khái quát về công tác này trong năm qua?

- Thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND TP, năm 2012, không chỉ hoạt động giám sát mà các kỳ họp HĐND TP cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, từng kỳ họp đã được Thường trực HĐND TP phối hợp với UBND và Ủy ban MTTQ TP chuẩn bị chu đáo, chất lượng, tập trung vào những nội dung trọng tâm của thành phố. Các phiên chất vấn tại các kỳ họp cũng rất sôi động, được dư luận xã hội chú ý và có đánh giá cao.

Riêng về hoạt động giám sát, năm nay HĐND đã tổ chức triển khai khá bài bản và quyết liệt. Ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND và các ban đã lựa chọn, xác định nội dung giám sát theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và phủ kín các quận, huyện. Quy trình, hình thức giám sát cũng được đổi mới theo hướng chuẩn bị kỹ, giám sát sâu, tăng thời gian giám sát tại cơ sở, xuống tận xã, phường, trường học, bệnh viện, các dự án đầu tư...

- Đâu là những điểm mới, thưa ông?

- Trước hết, hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chuyên sâu vào những vấn đề quan trọng, bức xúc mà cử tri quan tâm như quản lý đất đai và tài sản công, chất lượng chung cư tái định cư, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, quản lý trật tự xây dựng đô thị… Bên cạnh đó, năm qua lần đầu tiên HĐND TP đã triển khai hai đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, thay vì tổ chức đợt giám sát vào cuối năm như thường lệ. Đợt một được triển khai ngay từ đầu năm với mục tiêu chính là làm rõ việc các cấp chính quyền đã triển khai nghị quyết HĐND TP về nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH như thế nào, việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ KT-XH và phân bổ ngân sách có đầy đủ, đúng quy trình và bảo đảm tiến độ hay không; đồng thời, sớm phát hiện và kịp thời giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đợt hai tổ chức vào quý III để giám sát tình hình và kết quả thực hiện. Hay như việc giám sát quản lý đất đai và tài sản công, các đoàn giám sát cũng tập trung vào giám sát việc giao đất, thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ và giám sát việc quản lý sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước cho các tổ chức, cá nhân thuê. Giám sát thực hiện xã hội hóa cũng tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết của HĐND TP đối với lĩnh vực y tế, giáo dục…

Năm qua, HĐND TP cũng đã kết nối việc giám sát giữa hai kỳ họp với giám sát tại kỳ họp thông qua hoạt động chất vấn. Thực hiện tốt hơn việc giám sát với tái giám sát. Những kết luận giám sát hay lời hứa, lời cam kết của UBND và các sở, ngành thành phố tại các phiên chất vấn được HĐND theo đuổi đến cùng trong quá trình thực hiện. Kết hợp giữa giám sát với tổ chức các cuộc khảo sát để thêm thông tin và làm sâu sắc thêm các vấn đề đoàn giám sát đã phát hiện. Một điểm đáng chú ý nữa trong hoạt động giám sát của HĐND TP năm qua là việc công khai hóa các kết quả giám sát. Để thực hiện được điều này lúc đầu cũng không dễ dàng. Nhưng Thường trực HĐND TP đã quyết định cần phải công khai hóa kết quả giám sát để nâng cao trách nhiệm của người giám sát, đồng thời để nhân dân, cử tri theo dõi, tiếp tục giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND. Các phiên chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được truyền hình trực tiếp và tăng thời lượng. Các thông báo kết luận giám sát được công bố ngay trên trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội TP và HĐND TP Hà Nội.

- Với nhiều điểm mới như vậy, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện công tác giám sát trong năm qua?

- Về kết quả và hiệu quả hoạt động giám sát, để có câu trả lời đầy đủ, chính xác, nhân dân và cử tri đánh giá là khách quan nhất. Tuy nhiên, là người tổ chức, điều hành và thực hiện các hoạt động giám sát của HĐND TP, chúng tôi thấy có những kết quả khá tích cực. Các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND TP đều được UBND TP quan tâm và chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt và thông báo lại với HĐND. Đáng lưu ý, HĐND cũng không chỉ giám sát xong rồi giao cho UBND thực hiện mà cùng vào cuộc với UBND để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

- Tức là không chỉ đưa ra kết quả giám sát mà còn theo dõi và trực tiếp vào cuộc để giải quyết những vấn đề tồn tại?

- Qua hoạt động giám sát của Thường trực HĐND việc triển khai Nghị quyết về nhiệm vụ KT-XH bằng việc phân giao kế hoạch xuống cơ sở, quận, huyện, HĐND TP đã phát hiện, kiến nghị và cùng với UBND thành phố rà soát, chỉ đạo, bổ sung việc giao kế hoạch, phối hợp xây dựng ngay hệ thống chỉ tiêu xây dựng kế hoạch và giao kế hoạch thống nhất để áp dụng cho năm sau. Qua giám sát tình hình triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, Thường trực HĐND thành phố đã bàn bạc và thống nhất với UBND trong việc bố trí  ngay 500 tỷ đồng vốn ngân sách trong 6 tháng cuối năm cho thực hiện các chính sách hỗ trợ. Hoặc qua hoạt động giám sát tại nghị trường dưới hình thức chất vấn, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo ngay việc tổ chức giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND TP với các quận, huyện để đánh giá, tìm biện pháp chấn chỉnh ngay tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn…

Yêu cầu và mong muốn của cử tri ngày càng cao

- Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng, hiệu quả giám sát chưa cao, chất lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp vẫn còn hạn chế. Ông suy nghĩ như thế nào về nhận xét này?

- Đúng là hoạt động của HĐND TP tuy đã có những bước đi tích cực hơn nhưng thực tế còn chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của cử tri và đòi hỏi của thực tiễn. Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi đang cố gắng từng bước. Không chỉ chọn trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hơn chất lượng các hoạt động giám sát mà HĐND TP sẽ tăng cường tái giám sát để bảo đảm những kiến nghị, đề xuất được giải quyết kịp thời.

- Phải chăng, còn có thêm nhiều yếu tố khác quyết định hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND?

- Vâng! Chúng tôi mong muốn dư luận xã hội và cử tri không chỉ ủng hộ HĐND mà còn chung tay với HĐND trong việc thực hiện các kết luận và kiến nghị giám sát thông qua ý kiến kiến nghị của cử tri và qua các kênh thông tin đại chúng. Mặt khác, chúng tôi cũng đang kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những quy định pháp luật đầy đủ hơn đối với hoạt động giám sát của HĐND như cần sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND các cấp trong đó có đưa ra những quy định về cơ chế xử lý khi các cơ quan, tổ chức không thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND…

- Tại kỳ họp cuối năm vừa qua, HĐND TP đã đồng ý gia hạn thời điểm giải quyết những sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ. Đây là nội dung đã được HĐND giám sát và ra kết luận. Nhiều cử tri lo ngại việc đẩy lùi tiến độ sẽ ảnh hưởng tới sự nghiêm minh của pháp luật thưa ông?

- Đây là vụ việc đã tồn đọng kéo dài hàng chục năm, việc xử lý rất phức tạp và UBND TP cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt. Khi UBND TP xử lý vụ việc, HĐND chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư, các ý kiến kiến nghị trái chiều của một số tập thể, cá nhân. Do vậy, tôi nghĩ việc chậm lại một thời gian ngắn, xin nhắc lại là một thời gian ngắn theo đề nghị của UBND TP để giải quyết thấu đáo, có hiệu quả hơn, cũng là điều cần làm. Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách đầy đủ, toàn diện và thực tế.

- Không chỉ trong hoạt động giám sát nói chung, tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn - một hình thức để các đại biểu dân cử giám sát trực tiếp, cũng có không ít ý kiến cử tri bày tỏ chưa hài lòng khi phần lớn đại biểu chuyên trách tham gia chất vấn, ít thấy vai trò của các đại biểu kiêm nhiệm. 

- Theo suy nghĩ của chúng tôi, các vị đại biểu không chuyên trách còn ít tham gia chất vấn hoặc chất vấn chưa thực sự quyết liệt có hai nguyên nhân. Một là do không hoạt động chuyên trách nên các vị đại biểu này thiếu thông tin đầy đủ và sâu về những vấn đề nêu ra trong phiên chất vấn. Hai là một số các vị còn e ngại va chạm vì số đại biểu thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước hiện chiếm tỷ lệ khá cao trong số đại biểu HĐND.

- HĐND TP đã có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Một mặt cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đại biểu sao cho họ vượt qua được rào cản tâm lý để thể hiện đầy đủ hơn quyền và trách nhiệm của mình với cử tri. Nếu nhận thức đầy đủ rằng việc giám sát (trong đó có chất vấn) là nhằm giúp nhau làm việc tốt hơn, giúp cho công việc được tổ chức tốt hơn, là tạo cơ hội để báo cáo rõ hơn với nhân dân, với cử tri về những khó khăn, vướng mắc và những nỗ lực cố gắng để nhận được sự chia sẻ, đồng thuận… thì không có gì phải né tránh. Mặc khác cũng cần nâng cao sự giám sát của nhân dân, của cử tri với các vị đại biểu mà họ đã bầu ra. Vì đối với mỗi đại biểu HĐND, việc không thực hiện quyền năng của đại biểu, trong đó có quyền tham gia thảo luận, quyền chất vấn… cũng đồng nghĩa với việc không hoàn thành trách nhiệm với cử tri. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tăng cường hơn nữa số đại biểu chuyên trách hoạt động HĐND để họ có đủ thời gian, chuyên tâm với công việc.

Tiếp tục đổi mới hoạt động để gần dân, sát với dân

- Năm 2013 được coi là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, thưa ông HĐND TP đã có kế hoạch như thế nào đối với công tác giám sát trong năm nay?

- Ngoài các hoạt động thường niên có rất nhiều việc quan trọng mà HĐND TP cần làm trong năm 2013. Đó là làm tốt việc lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thông qua việc tổ chức kỳ họp chuyên đề. Triển khai tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do HĐND bầu. Cụ thể hóa các cơ chế chính sách đặc thù Quốc hội giao thẩm quyền cho HĐND thành phố quyết định trong Luật Thủ đô. Chương trình giám sát năm 2013 cũng đã được thông qua với các nội dung chính như giám sát tại kỳ họp các báo cáo của UBND TP và các cơ quan khác theo đúng quy định của pháp luật. Giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua những phiên chất vấn. HĐND TP cũng tập trung giám sát chuyên đề vào một số nội dung trọng tâm như chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng nông thôn; quản lý và thực hiện quy hoạch; chính sách hỗ trợ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trên địa bàn…

- Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu là một việc làm hoàn toàn mới. Chúng ta sẽ thực hiện công việc này ra sao, thưa ông?

- HĐND TP đã có những bước chuẩn bị cụ thể, đồng thời tăng cường giám sát bảo đảm việc triển khai được thực hiện theo đúng nguyên tắc công khai, công bằng, khách quan, đánh giá đúng thực chất.

- Tại kỳ họp cuối năm, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh có nhấn mạnh, việc đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống một cách hiệu quả là vấn đề rất quan trọng mà HĐND TP phải triển khai trong năm nay. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất tại Hà Nội, công tác chuẩn bị của HĐND TP đến thời điểm này ra sao?

- Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua không chỉ là món quà mà Quốc hội và đồng bào cả nước tặng cho Hà Nội mà còn là việc giao trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. HĐND TP có trách nhiệm cùng với cả hệ thống chính quyền và nhân dân Thủ đô trong tổ chức thực hiện để Hà Nội phát triển xứng tầm là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, giao dịch quốc tế của cả nước.

Có hai việc cần làm ngay thời điểm này đó là cụ thể hóa những quy định của luật thuộc thẩm quyền của HĐND TP và tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quán triệt Luật Thủ đô tới các tầng lớp nhân dân. HĐND TP còn có vai trò rất quan trọng trong thực hiện giám sát để bảo đảm việc triển khai được thực hiện đầy đủ, đúng đắn và có hiệu quả.

- Như vậy công việc của HĐND TP trong năm 2013 là rất nặng nề?

- Để việc thực hiện Luật Thủ đô cũng như các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng của thành phố đạt kết quả tốt, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng, sự giám sát của HĐND TP còn rất cần sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Với sự giám sát và những phản hồi tích cực của cử tri trong thực hiện các chính sách của thành phố sẽ là kênh thông tin quan trọng, hữu hiệu để các cơ quan dân cử thực hiện tốt hơn nữa chức năng của mình. Bước sang năm 2013, HĐND TP rất mong nhận được sự ủng hộ, góp ý của cử tri và các tầng lớp nhân dân để hoạt động của HĐND thực sự gần dân, sát dân và hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch HĐND TP về những vấn đề đã trao đổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hoạt động giám sát vì lợi ích của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.