(HNMO) - Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, có 45 trong tổng số 220 ngành đào tạo đại học tuyển sinh kém, trong đó có 4 nhóm ngành tuyển sinh đạt kết quả thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, gồm: Nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội. Đây cũng là các nhóm ngành tuyển sinh khó khăn trong năm 2020, 2021.
Năm 2022 còn có một số ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp như toán và thống kê, thú y, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường…
Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các trường đại học phải quan tâm những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn; đồng thời, thực hiện khảo sát để có số liệu xây dựng chính sách trong việc mở chương trình đào tạo trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp giữa các trường đại học, trường trung học phổ thông để thí sinh hiểu rõ có những ngành cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Trong đề án này, Bộ đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng sức hút của các ngành nghề đào tạo, nhất là những ngành khó tuyển với học sinh, như hỗ trợ, kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp; gắn kết đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế…; đồng thời, đề xuất tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng phòng thí nghiệm, thực hành, hỗ trợ đào tạo sau đại học…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề ra giải pháp để các cơ sở đào tạo nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút thí sinh vào những ngành nghề khó tuyển; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.