(HNM) - Thời gian gần đây, tuy đã được tăng cường chấn chỉnh mạnh mẽ và kịp thời, song tình trạng công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ và pháp luật nhà nước vẫn chưa thuyên giảm như kỳ vọng.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" đã chỉ ra nguyên nhân rất đáng lưu tâm là: “Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện "nhẹ trên, nặng dưới". Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ”.
Kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ vốn gắn bó chặt chẽ với chính trị tư tưởng, quản lý phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nó được xem là “thanh bảo kiếm” chứa đựng các quy tắc, quy định nhằm điều chỉnh hành vi, thái độ, ngăn chặn cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn và nhiệm vụ được giao để trục lợi. Thực tế đã chứng minh, nếu kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ luôn được tôn trọng, đề cao thì sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để mỗi cá nhân, tập thể cống hiến nhiều hơn, xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh về tư tưởng chính trị và tổ chức; đặc biệt là xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ hướng tới thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ; thúc đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nếu kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ không được coi trọng, thực hiện lỏng lẻo, thiếu công bằng, công minh, khách quan thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, không chỉ làm mất ổn định trong nội bộ cơ quan, dễ dẫn đến hiện tượng “tự diễn biến” mà còn kéo lùi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nếu nhiều cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật công vụ từ ít nghiêm trọng, cho đến nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền, chế độ chính trị và sự lãnh đạo của Đảng sẽ lung lay và suy giảm đáng kể. Việc duy trì kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ thiếu trách nhiệm và lỏng lẻo sẽ dẫn tới hiện tượng vi phạm kỷ luật tăng lên và tạo cớ để lực lượng phản động, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vin vào, tổ chức các đợt tuyên truyền, bịa đặt, nói xấu... gây chia rẽ Đảng với các tầng lớp nhân dân, gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Lâu nay, trong bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương ở nước ta, tình trạng tập thể, cá nhân là công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên lợi dụng các mối quan hệ, lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý con người, tiền, tài sản, tài nguyên, khoáng sản... và những lỗ hổng của cơ chế, chính sách nhà nước để trục lợi đã được nhiều chuyên gia cảnh báo và chỉ ra. Nhiều biện pháp ngăn chặn hiện tượng vi phạm kỷ luật đã được áp dụng và triển khai thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới. Thực tế, đã có nhiều hành vi sai phạm, vi phạm kỷ luật, pháp luật của công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên từ trung ương đến địa phương bị đưa ra ánh sáng, bị dư luận lên án và phải nhận những hình thức kỷ luật, bị pháp luật nghiêm trị đúng người, đúng tội. Song dường như, những bài học ấy chưa đủ sức nặng để răn đe, ngăn chặn những “con sâu”, “con mọt” đang lẩn khuất trong bộ máy công quyền và ra sức đục khoét, nhũng nhiễu, tàn phá niềm tin của nhân dân.
Theo số liệu của cơ quan chức năng của Đảng, từ năm 2011 đến 2017, toàn Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó xóa tên do vi phạm 38.519 đảng viên, chưa kể 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ. Riêng năm 2018, cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 4.000 tổ chức Đảng và hơn 17.000 đảng viên. Gần đây nhất, ngày 15-3-2019, đại diện Thanh tra Chính phủ đã thông báo tới cơ quan báo chí việc ông Hoàng Đức Cần, nhân viên Phòng Hành chính quản trị thuộc Văn phòng Thanh tra Chính phủ đã phải trả lại gia đình bà Lê Thị Tích (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 400 triệu đồng vì hứa lo lót giải quyết vụ tranh chấp đất đai. Thế nên, làm thế nào để kỷ luật công vụ được đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương tôn trọng và thực hiện triệt để, mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng kinh tế - xã hội đất nước là câu hỏi nhiều người trong xã hội quan tâm và băn khoăn, trăn trở.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đang được thực hiện ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhiều cấp, ngành thì việc tăng cường chấp hành kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ cho công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên là việc làm hết sức cần thiết và cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ giúp quyết sách của Nhà nước đến được đích, phục vụ nhân dân mà còn giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt, thi hành nhiệm vụ triệt để, có hiệu quả, đúng với quyền hạn, cương vị, chức trách và pháp luật; góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực từ sớm, để các sự việc, những sai phạm của tập thể, cá nhân không trở thành “căn bệnh ung thư di căn”, hướng tới xây dựng đoàn kết nội bộ, mang lại giá trị tốt đẹp, là chỗ dựa để nhân dân tin, yêu và làm theo Đảng.
Để tăng cường kỷ luật trong cơ quan công quyền từ trung ương tới địa phương, vấn đề trước tiên là phải quán triệt mạnh mẽ và sâu sắc hơn những quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức cùng những quy định về xử lý kỷ luật đối với các hành vi sai phạm. Các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng mở rộng dân chủ gắn với giám sát và phản biện xã hội. Siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, coi trọng kiểm tra, giám sát từng phần với các nhiệm vụ, nhất là trong triển khai các dự án đầu tư ở các cấp độ và quy mô khác nhau; trong thực hiện các chính sách liên quan đến tài chính, cán bộ, quản lý hiện vật, tài nguyên, khoáng sản cũng như môi trường. Chính quyền, cơ quan chức năng cần kiên quyết và đẩy nhanh tiến độ xử lý những hiện tượng tiêu cực, những vụ việc lợi dụng cơ chế để trục lợi cá nhân; kịp thời phát hiện và cho ra khỏi bộ máy những thành phần, đối tượng tư hữu, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lấy tổ chức, lấy Đảng làm bình phong để thăng tiến và vì mục đích “vinh thân, phì gia”.
Cách đây gần 80 năm, lúc bị địch cầm cố ở nhà tù Lao Bảo, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Con cá, chột nưa”. Trong thời gian tuyệt thực, trước mùi vị thơm ngon, kích thích của món canh cá với chột nưa mà bọn địch nấu ở bên ngoài, Tố Hữu đã chuyển từ đấu tranh trực tiếp với địch sang cuộc đấu tranh giữa bản năng, nhu cầu ăn uống cá nhân với việc bảo vệ, giữ tròn khí tiết của người cộng sản. Đến nay, những câu thơ trong bài thơ ấy vẫn luôn mang tính thời sự: “Phải giữ gìn tỉ mỉ/Như tròng mắt con ngươi/Đến cạn máu tàn hơi/Không xa rời kỷ luật”. Những người cộng sản sở dĩ được dân tin, dân yêu bởi sự dấn thân, dám chiến đấu, hy sinh, luôn giữ gìn kỷ luật và đạo đức cách mạng. Nhưng biểu hiện tinh túy nhất trong cốt cách người chiến sĩ cách mạng mà nhà thơ Tố Hữu nhắn nhủ quả thật thấm thía và cần được thế hệ công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên hôm nay, mai sau học tập, tự rèn luyện, chấn chỉnh để không bị cuốn vào cơn bão kinh tế thị trường và đánh mất danh dự vì những “viên đạn bọc đường”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.