(HNM) - Với mức điểm sàn được xác định cùng những quy định mới trong xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), Bộ GD-ĐT hy vọng chất lượng đầu vào được bảo đảm, các trường có nguồn tuyển dồi dào và tình trạng thí sinh
Không chạy theo chỉ tiêu
Thay vì cố gắng để các trường tuyển cho đủ thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, mức điểm sàn được xác định với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm chất lượng đầu vào, điều này thể hiện ở mức điểm sàn 15, tức trung bình mỗi môn đạt 5 điểm. Mức điểm trung bình cho mỗi môn thi được coi là cái đích tối thiểu của các kỳ thi. Tuy nhiên, trong suốt 13 năm kể từ khi kỳ thi “3 chung” bắt đầu vào năm 2002, điểm sàn chưa bao giờ đạt được mốc này. Mức điểm trung bình 5 điểm/môn chỉ được xác lập ở điểm sàn trong 2 kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào năm 2015 và 2016. Như vậy, nhìn chung, chất lượng của kỳ thi đã có xu hướng tăng, phổ điểm các môn có sự dịch chuyển tích cực.
Tư vấn tuyển sinh tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ảnh: Thái Hiền |
Mặc dù hệ số dôi dư năm nay không cao, chỉ là 1,27 (nguồn tuyển lớn gấp 1,27 lần chỉ tiêu), song Bộ GD-ĐT bảo đảm các trường sẽ không thiếu nguồn tuyển với 559.429 lượt thí sinh có tổng điểm đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng trở lên. Đặc biệt, hệ số dôi dư năm nay thấp nhưng đó là số thực chứ không dự trù cả số thí sinh “ảo” như khi tổ chức thi "3 chung".
Trước những băn khoăn về nguồn tuyển cho khối D với điểm thi môn ngoại ngữ có phổ điểm thấp nhất trong tất cả các môn nhưng có chung mức điểm sàn với các khối khác. Bộ GD-ĐT tự tin rằng, các trường tuyển sinh khối D vẫn có thể tuyển đủ thí sinh có chất lượng cao. Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích: Trước đây, tiếng Anh là môn thi tự chọn, nhưng 2 năm trở lại đây đã thành môn thi bắt buộc. Như vậy cũng có nghĩa, từ chỗ chỉ có một số thí sinh đi thi, nay tất cả thí sinh đều phải thi môn này, trong khi điều kiện học ngoại ngữ ở nhiều nơi còn hạn chế, dẫn đến phổ điểm thấp. Tuy nhiên, mặc dù phổ điểm không cao nhưng số lượng các em đạt từ 5 điểm trở lên rất nhiều. Đây cũng chính là các thí sinh có nguyện vọng sử dụng tiếng Anh để xét tuyển vào ĐH. Như vậy, thí sinh quyết tâm thi khối D thường có điểm tiếng Anh cao hơn trung bình. Điều đó cũng có nghĩa nguồn tuyển khối D không hạn hẹp nên các trường không cần phải lo lắng. Bên cạnh đó, các trường tuyển khối D có số chỉ tiêu không nhiều, nhiều thí sinh khối D cũng sẽ chuyển sang xét tuyển ở khối A1 với tổ hợp môn toán, lý, ngoại ngữ. Ngoài ra, hiện nay, theo quy định, mỗi ngành của các trường có thể tuyển thí sinh từ 4 khối khác nhau. Do đó, các trường có thể cân đối thí sinh giữa các khối để có nguồn tuyển phù hợp.
Không công khai diễn biến hồ sơ
Trong các kỳ thi trước đây, nhằm bảo vệ quyền lợi của thí sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải cập nhật thường xuyên diễn biến xét tuyển, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường trên trang web để thí sinh có cơ sở tham khảo, cân nhắc và quyết định nên rút ra hay nộp hồ sơ vào. Tuy nhiên, năm nay, Bộ yêu cầu các trường tuyệt đối không công khai tình hình diễn biến xét tuyển.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích quy định này: Các kỳ thi trước, thí sinh chỉ được đăng ký 1 trường; năm nay, mỗi thí sinh có quyền đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng, do đó, các trường sẽ không biết được ngoài trường mình thì thí sinh còn đăng ký vào những trường nào khác. Vì vậy, việc công bố thông tin về hồ sơ hoàn toàn không có ý nghĩa tham khảo mà còn gây tác dụng tiêu cực, khiến thí sinh và người nhà hoang mang. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo, nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai. Khi các trường đăng ký tải dữ liệu này thì đồng thời cũng phải cam kết bảo mật thông tin đó. Nếu các trường công khai thông tin này, gây ra tâm lý hoang mang hay bất cứ hậu quả nào thì trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Về phía thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý các em tham khảo kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường cũng như dựa vào kết quả học tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp, thay vì chờ đợi dữ liệu nói trên bởi các em sẽ không tham khảo được gì từ những số liệu này.
Quy định mới nói trên của Bộ GD-ĐT là một trong các giải pháp để hạn chế thí sinh "ảo" tái diễn trong năm nay. Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra những quy định khác nhằm bảo đảm các trường có thể yên tâm tuyển sinh mà không phải lo ngại tình trạng thí sinh “ảo”. Không quy định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước; thí sinh, sau khi có kết quả xét tuyển, phải nộp giấy báo kết quả thi cho nhà trường để khẳng định vào học trường đó, điều này giúp trường biết chắc chắn có bao nhiêu thí sinh sẽ nhập học. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý các trường phải thực hiện nghiêm theo chỉ tiêu đã đăng ký, tuyệt đối không được vượt mức chỉ tiêu này. Nếu vi phạm, ngoài việc xử lý nhà trường, cá nhân Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh sẽ bị xử lý kỷ luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.