Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tán thành việc không xử lý đơn thư tố cáo nặc danh

V.A| 11/11/2010 16:14

(HNMO) - Thảo luận tổ về dự án Luật tố cáo chiều 11/11, đa số đại biểu đoàn Hà Nội tán thành với quy định không xử lý các đơn thư tố cáo nặc danh, không rõ địa chỉ.


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh là một trong số các đại biểu của Hà Nội ủng hộ quy định trên.

“Ai tố cáo  phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", đại biểu Khánh nói.

Đại biểu Chu Sơn Hà thừa nhận, thực tế thống kê cho thấy, có tới trên 50% đơn thư tố cáo nặc danh là đúng sự thật, hoặc có điểm đúng, điểm sai. Đứng về mặt nội dung, những đơn thư tố cáo nặc danh rất  đáng trân trọng. Nhưng tại sao người tố cáo lại không dám đứng tên?

"Chính vì những hành vi cấm chúng ta quy định rất chung chung nên người tố cáo sợ hậu quả”, đại biểu Hà nói.

Tuy nhiên, đại biểu Hà đồng tình việc không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh vì thực tế, mỗi lần sắp tới các đợt bầu cử, ĐH Đảng thì một loạt làn sóng tố cáo nặc danh lại xuất hiện, trong đó có cả tố cáo đúng, sai, khiến các tổ chức mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để xác minh. Thế nhưng, khi đã xác định nội dung tố cáo là sai thì lại rất khó xác minh được người tố cáo, còn xác minh được, có kết luận thì lại cũng không xử lý được người tố cáo sai.


Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, Hà Văn Hiền cũng nhất trí không nên thừa nhận tính hợp pháp của đơn thư tố cáo nặc danh, bởi nếu thừa nhận thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, khó xác định thế nào là tố cáo đúng, tố cáo sai.

Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, đại biểu Đặng Huyền Thái băn khoăn nếu chỉ quy định giải quyết đơn thư tố cáo có địa chỉ rõ ràng thì chưa phù hợp thực tế và chưa đáp ứng được nguyện vọng của dân, nhất là khi tỷ lệ đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung đúng khá cao.

“Có ai cảm thấy không lo ngại khi tố cáo lãnh đạo, thủ trưởng của mình không? Theo tôi là rất lo ngại, lo ngại đầu tiên không phải là trù úm, mà là về sứ mệnh công việc của mình. Thực tế người dân tố cáo rất ít khi được bảo vệ, được vạ thì má đã sưng”, đại biểu Thái nói.

Trên quan điểm đó, đại biểu Thái cho rằng, nếu không quan tâm chút nào đến đơn thư tố cáo nặc danh thì sẽ là thiếu sót.

“Nếu chúng ta quy định như dự án luật thế này thì rất nhẹ cho cơ quan Nhà nước”, đại biểu Thái phát biểu.

Bổ sung thêm một khía cạnh khác, các đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, Hà Văn Hiền và Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị, dự án luật cần xác định và quy định rõ các đơn thư tố cáo tiếp nhận qua điện thoại, fax, thư điện tử.

Theo đại biểu Ý Nhi, dự luật cần bổ sung cơ chế tiếp nhận, kiểm tra, xác minh họ tên người tố cáo gửi đơn qua email, nếu không thì các đơn thư tố cáo này chỉ là tố cáo nặc danh và sẽ không được xem xét.

Chung quan điểm, đại biểu Hà Văn Hiền cũng đề nghị luật cần làm rõ hơn, trong trường hợp tiếp nhận đơn thư điện tử nhưng không xác minh được địa chỉ, họ tên người tố cáo thì có đưa các đơn này vào diện tố cáo nặc danh hay không?

Đại biểu Hồng Hà lại băn khoăn với các tố cáo qua điện thoại, bởi khi đó người tiếp nhận tố cáo không cầm được văn bản như các tố cáo qua thư, email, fax… Vậy trong trường hợp này, ai là người xác nhận thông tin cho người tiếp nhận tố cáo?

“Đã có trường hợp công dân vu khống, tố cáo ngược người tiếp nhận.... Việc thể hiện quy trình giải quyết tố cáo trong dự án luật theo tôi là chưa hợp lý, cần nghiên cứu lại”, đại biểu Hồng Hà nói.

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến là việc bảo vệ người tố cáo.

Theo đại biểu Vũ Hồng Anh, các quy định trong dự thảo luật chưa bảo đảm bảo vệ cho người dân khi tố cáo.

“Dự luật quy định không rõ trách nhiệm, chỉ chung chung, như vậy người tố cáo rất thiệt thòi”, đại biểu Hồng Anh nói.

Cùng nhận xét, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị cần rà soát lại toàn bộ những quy định về bảo vệ tố cáo vì tính khả thi thấp.

“Tôi cảm giác những quy định ở đây để cho bài bản nhưng thực tế không diễn ra như thế. Chúng ta cần xây dựng luật thực chất, đi vào cuộc sống”, đại biểu Quyền nói.

Nhất trí việc bảo vệ người tố cáo là rất quan trọng, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, chính vì người tố cáo không được bảo vệ nên đã làm phát sinh nhiều đơn thư tố cáo nặc danh.

“Chúng ta nên quy định đầu mối chính chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Đồng thời, phải quy định bảo vệ cả người bị tố cáo. Thực tế người bị tố cáo cũng bị đe dọa, lăng mạ…”, đại biểu Hà nói.

Theo chương trình, dự án Luật tố cáo sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 18/11 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tán thành việc không xử lý đơn thư tố cáo nặc danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.