(HNM) - Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (tên đầy đủ là Michael Richard Pompeo) đang có chuyến thăm tới một loạt quốc gia đồng minh quan trọng của Washington tại Trung Đông.
Chuyến công du chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng lịch trình của người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ khá dày đặc, khi ông lần lượt tới thăm các nước Saudi Arabia, Israel và Jordan nhằm thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với các đồng minh, đồng thời thảo luận về thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân Iran.
Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir hội đàm. |
Vừa nhậm chức hôm 26-4, hai ngày sau, vị Ngoại trưởng thứ 70 của nước Mỹ đã lên đường công du Trung Đông phần nào cho thấy sự chú trọng của Washington đối với khu vực vốn có nhiều điểm “nóng” này. Nói cách khác, Trung Đông luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong năm 2017, tình hình Trung Đông đã có nhiều chuyển biến đáng chú ý. Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại và đang dần tan rã ở Iraq, Syria. Hiện tại, Chính phủ Iraq và Syria đã cơ bản kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ. Bên cạnh đó, Nga đang trở lại hết sức mạnh mẽ ở Trung Đông, khôi phục ảnh hưởng của thời Liên Xô kể từ sau khi đưa quân vào Syria (30-9-2015). Trong hơn hai năm qua, với sự giúp đỡ quân sự của Nga, Chính phủ Syria đã liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường, đánh bại IS, bảo vệ được chính quyền. Sau thắng lợi, Nga bắt đầu hoạt động ngoại giao tích cực để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria và thu về kết quả tích cực. Trong khu vực, các nước Arab bị chia rẽ chưa từng có kể từ năm 1979, khi 10 nước Arab đồng loạt cắt quan hệ với Qatar, trong khi Liên đoàn Arab (AL) đóng vai trò mờ nhạt trong giải quyết khủng hoảng.
Trong bối cảnh như vậy, Mỹ dù rất quan tâm tới chảo lửa Trung Đông nhưng Tổng thống D.Trump lại chưa có một chính sách rõ ràng cho khu vực này. Dư luận từng kỳ vọng vào vai trò của ông chủ Nhà Trắng trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine. Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán đến đây đã gây ra làn sóng phản đối không những ở khu vực Trung Đông mà trên toàn thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, những chính sách chưa đồng nhất của chính quyền Tổng thống D.Trump đang khiến Trung Đông thay đổi theo chiều hướng bất ổn. Thế nên, trong chặng dừng chân tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, tân Ngoại trưởng M.Pompeo khẳng định an ninh của Saudi Arabia là một ưu tiên của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết giữa các nước tại vùng Vịnh.
Sau Saudi Arabia, nhà ngoại giao Mỹ tới Israel và Jordan, để bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran trong lúc Washington đang hối thúc các đồng minh Châu Âu và những nước khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, nhằm kiềm chế chương trình tên lửa của quốc gia Hồi giáo này. Tổng thống D.Trump dự kiến ngày 12-5 tới sẽ thông báo quyết định liệu có rút khỏi văn kiện lịch sử đạt được sau nhiều tháng đàm phán khó khăn giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) như nhiều lần tuyên bố hay không. Theo Ngoại trưởng M.Pompeo, Tổng thống D.Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và chuyến thăm Trung Đông lần này dường như là nhằm dọn đường cho bất kỳ quyết định nào của Mỹ trong tương lai.
Các nhà phân tích nhận định, ông M.Pompeo chọn công du Trung Đông ngay trong những ngày đầu trên cương vị Ngoại trưởng dường như còn mang tính cá nhân. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống D.Trump, ông sẽ cho thế giới và đặc biệt là các nước đồng minh thấy, ngoại giao Mỹ đã trở lại sau giai đoạn hoài nghi dưới thời cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson. Quan trọng hơn, khu vực này vẫn có lợi ích lớn với Mỹ và bất cứ giải pháp nào cho Trung Đông cũng phải có vai trò của Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.