Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tản mạn sông Hồng

Uông Triều| 24/05/2017 06:03

(HNM) - Ngược lên Lào Cai, ở bên bờ đúng cái quãng “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, tôi đã có dịp ngắm nhìn con sông vào một buổi chiều lộng gió. Dòng sông như một dòng kẻ của tự nhiên phân chia biên giới Trung - Việt.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử của Thủ đô và đất nước.


Cái khoảng sông Hồng ở đoạn nhập quốc tịch Việt Nam luôn có một niềm xa vắng mênh mông như thế. Khó ai tưởng tượng rằng, khi con sông xuôi xuống phía Nam, chảy qua 9 tỉnh, thành là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định, sông đã mang bao phù sa, góp phần hình thành nên một trong những nền văn minh quan trọng nhất của nước ta, đó là nền văn minh sông Hồng.

Sông Hồng chảy qua nhiều tỉnh, thành nhưng có lẽ nơi để lại dấu ấn lịch sử mạnh mẽ nhất là đoạn chảy qua địa phận Hà Nội. Tôi cho rằng, khi Lý Công Uẩn ra đất Thăng Long lần đầu đã kinh lý bằng đường thủy và khi nhìn thấy cảnh bát ngát, rộng lớn của sông Hồng, những bãi phù sa giàu có, những làng xóm đông đúc ven sông, nhà vua nhanh chóng hạ chỉ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Trong Chiếu dời đô, chính ông đã viết rằng vùng đất này: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Cái ý “tiện nghi núi sông sau trước” hẳn là nói đến sông Hồng, khi đó còn mang tên là Nhị Hà.

Trên đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội, ở bến Chương Dương (nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín) là nơi tướng quân Trần Quang Khải vào năm 1285 đã có một trận đánh lẫy lừng khiến giặc Nguyên Mông khiếp vía, buộc chúng phải rút chạy khỏi kinh thành Thăng Long. Và cũng chính trên con sông Hồng này, đoạn chảy qua khu vực nội thành, vào năm 1882, giặc Pháp đã bắn đại bác vào thành Hà Nội, chứng tích còn ghi trên mặt thành Cửa Bắc lỗ chỗ vết đạn, lưu dấu một giai đoạn vừa đau thương vừa bi tráng trong lịch sử Hà Nội.

Sông Hồng ghi dấu những thăng trầm của lịch sử, nhưng con sông cũng góp phần làm cho Thủ đô thêm trù phú, thơ mộng. Sông Hồng là tuyến đường thủy huyết mạch giữa Hà Nội và khu vực phía Bắc. Càng xuôi về phía Nam, sông Hồng càng mở rộng và có nhiều chi lưu thuận lợi cho giao thương đường thủy và mỗi cây cầu bắc qua sông cũng mang một điểm nhấn của quá khứ và hiện tại.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối bờ Bắc của Hà Nội với phía Đông. Cây cầu này vừa hùng vĩ vừa mềm mại như một con rồng sắt khổng lồ và ít ai để ý rằng Long Biên là cây cầu cổ nhất bắc qua sông Hồng và cũng là cây cầu duy nhất của Thủ đô mà các phương tiện di chuyển theo hướng tay trái, do kiến trúc của cầu và tập tục mà người Pháp để lại. Một cây cầu cũng nổi tiếng không kém trên sông Hồng là cầu Thăng Long. Cây cầu này một thời là niềm hãnh diện không chỉ của người dân Thủ đô mà của người dân cả nước, nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc được Liên Xô cũ giúp đỡ xây dựng. Dù thời cuộc đã đổi thay nhiều nhưng khi đi trên cây cầu này, nhất là khi đi dưới tầng hầm vẫn có một cảm giác rất lạ của một thời đã qua. Và nếu đứng trên cầu Thăng Long nhìn xuống sẽ thấy một đoạn sông Hồng mênh mang, một bãi Chèm rộng lớn mà nhà thơ Huy Cận khi ngắm cảnh sông nước đã không khỏi cầm lòng mà sáng tác nên bài thơ Tràng giang nổi tiếng, nói về thân phận đời người, thân phận dòng sông.

Sông Hồng cũng chảy qua rất gần làng gốm Bát Tràng, một trong những ngôi làng lâu đời nổi tiếng của Hà Nội. Người dân của làng gốm cổ kính này đã từng dùng nước sông trong sinh hoạt và sản xuất, và con sông cũng chính là con đường chuyên chở cho những món hàng gốm của làng đi khắp trong và ngoài nước.

Dọc theo sông Hồng, đoạn chảy qua huyện Đông Anh, có một quãng có một con đê rất đẹp bám sát lấy dòng sông. Ở đoạn đê ấy là triền cỏ xanh rì, ngày ngày vẫn thấy những em bé hoặc người lớn tuổi thả trâu ven đê và thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng sáo diều vi vút mà cứ tưởng rằng cái âm thanh dân dã, yên bình ấy đã bị lãng quên từ lâu lắm rồi giữa một thành phố ồn ào và náo nhiệt. Cách đó không xa, đoạn sông Hồng chảy qua khu trung tâm nội thành cũng mang nhiều dấu ấn khác xưa. Những khu phố nằm phía ngoài đê nhà cửa mọc lên san sát, cư dân đông đúc. Ngày xưa, những bãi ven sông thưa vắng, buồn tẻ, giờ đây cư dân đông đúc, đâu đâu cũng thấy nhà cao tầng, đường bê tông; nhưng thỉnh thoảng có quãng, dòng sông cũng tách biệt ra một đoạn mà chỉ có riêng mình. Những bãi đá ven sông Hồng với um tùm hoa lau và các loại hoa khác đã trở thành điểm vui chơi chụp ảnh hấp dẫn cho mọi người vào dịp cuối tuần, ngày lễ, đặc biệt thích hợp cho giới trẻ muốn tìm một không gian tự nhiên gần sông và cây cỏ giữa nội thành Hà Nội.

Những người ngại đi xa hoặc không có điều kiện khám phá những đoạn khác của sông Hồng thì có thể xuống dưới chân cầu Long Biên mà đi dạo trên các bãi bồi. Ngay trên một khoảng đất rộng lớn chỉ cách chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên vài trăm mét đã thấy một khoảng xanh rì là chuối, ngô, rau xanh theo mùa. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống thấy con sông Hồng vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng trữ tình. Mùa nước lũ, nước sông Hồng gần như ngập trắng các bãi bồi và có thể gây nguy hiểm cho người qua lại, nhưng khi yên bình, con sông lại hiền hòa và dịu êm như một cô thôn nữ hiền lành, yểu điệu.

Tôi đã nghe nói nhiều về những dự án trên sông Hồng và trên bờ sông Hồng. Mong rằng trong tương lai gần, dòng sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội sẽ chuyển mình giúp Thủ đô ngày càng đẹp giàu, văn minh; như sông Hàn chảy qua Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, như sông Seine chảy qua Thủ đô Paris của nước Pháp hay như sông Hoàng Phố chảy qua Thượng Hải của Trung Quốc… Sông Hồng có đủ niềm tự hào, lịch sử, sự hùng vĩ và sự giàu có để góp phần biến Thủ đô trở thành một trong những thành phố văn minh và giàu đẹp nhất.

Sông Hồng ơi, sao nhớ và yêu đến thế!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.