Lao động - Việc làm

Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Hà Phong 17/09/2023 - 06:42

Thị trường lao động việc làm trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hơn 500 nghìn người bị ảnh hưởng (mất, giảm việc làm), trong đó trên 54% người lao động mất việc làm, trên 40% giảm giờ làm. Trong bối cảnh này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, từ hoạch định để có thị trường việc làm linh hoạt, tận dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ người lao động…

dao-tao1.jpg
Đào tạo nghề may cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Thị trường lao động phục hồi chưa bền vững

Từ thực tế công tác kết nối cung - cầu lao động tại thị trường Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đánh giá, trong thời điểm này, cả doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn. Về phía doanh nghiệp sau thời gian dài phải chống đỡ đại dịch Covid-19, để cải thiện tình hình, không ít đơn vị phải chuyển đổi cơ cấu lao động.

Khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người lao động bị liên đới nhiều nhất. Đặc biệt, trong lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ… người lao động bị thất nghiệp, kéo theo hệ lụy không mong muốn. “Với vai trò là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm… chúng tôi đã lắng nghe chia sẻ của người lao động, cho thấy mất việc khiến cuộc sống của cả gia đình họ bị đảo lộn”, ông Thành chia sẻ.

Nhìn rộng hơn, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, trên 500 nghìn người bị ảnh hưởng (mất, giảm việc làm), trong đó trên 54% người lao động mất việc làm, trên 40% giảm giờ làm. Bên cạnh đó, môi trường sản xuất, kinh doanh còn nhiều rào cản, như vướng mắc về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.

Không dừng lại ở trợ cấp tiền

Việc người lao động bị mất, giảm việc làm ảnh hưởng đến đời sống, chính sách an sinh xã hội, như vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hay nạn tín dụng đen. Các doanh nghiệp cũng rất cần được trợ giúp để có nguồn lực chăm lo, thu hút nhân viên quay trở lại. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định tiếp tục hỗ trợ người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm giờ làm từ ngày 1-4 đến hết năm 2023, với mức từ 1 đến 3 triệu đồng từ nguồn kinh phí công đoàn... Phấn đấu hoàn thành gói hỗ trợ chậm nhất trước ngày 31-3-2024. Kinh phí chi hỗ trợ lần này dự kiến khoảng 145 tỷ đồng.

dao-tao2.jpg
Tư vấn việc làm cho người lao động tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo đó, lao động bị giảm giờ làm việc hằng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng; ngừng việc từ 14 ngày trở lên mà có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng ghi trong hợp đồng thì được hưởng 1 triệu đồng. Người tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương từ 30 ngày trở lên (trừ lý do cá nhân) nhận 2 triệu đồng. Lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dự kiến được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Song theo ông Lê Đình Quảng, cần hoàn thiện theo hướng hỗ trợ nhiều hơn nữa, giải pháp thiết thực nhất là chú trọng vào đào tạo, tăng khả năng chống chịu trước các “cú sốc”, duy trì việc làm cho người lao động một cách bền vững… “Mất việc, tìm việc làm đã khó, việc làm có thu nhập như cũ thì càng khó khăn hơn. Vì vậy, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần hoàn thiện để hỗ trợ thêm cho người lao động”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Từ thực tế công tác kết nối cung - cầu lao động tại thị trường Hà Nội, ông Vũ Quang Thành cho biết, trung tâm thực hiện được trên 170 phiên giao dịch việc làm, số lao động tiếp cận, đã nộp hồ sơ là gần 13.000 người. Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức 10 phiên việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã. Các phiên chuyên đề dành cho đối tượng cụ thể cũng được tổ chức như người lao động yếu thế. Với lao động giản đơn, trình độ thấp sẽ được tư vấn để có thể học nghề, trang bị nghề nghiệp phù hợp. Với sự tiếp sức này, tại Hà Nội, số lao động mất việc không quá nhiều.

Ông Vũ Quang Thành cũng nhấn mạnh vai trò của công tác định hướng, giúp dần định hướng lại, hỗ trợ trong công tác phát triển nhân lực, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh này cần sát hơn, cũng như cần các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa, vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào. Có như vậy doanh nghiệp mới sống khỏe, đóng góp cho nền kinh tế, còn người lao động có việc làm bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.