Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng ''cao tốc'' UKVFTA đưa hàng Việt tới thị trường Anh

Lam Giang| 17/04/2022 07:42

(HNM) - Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2021, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã tạo đòn bẩy đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh tăng trưởng lên mức hai con số sau một năm thực thi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tận dụng “cao tốc” UKVFTA, đưa ngày càng nhiều hàng Việt tới thị trường Anh, cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần WOODSLAND Tuyên Quang.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương Việt Nam - Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ USD, tăng trưởng 17,24% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng 16,4%. Đóng góp cho mức tăng trưởng “kỳ tích” này là nhiều mặt hàng giá trị như: Nông sản tăng 67%, hạt tiêu tăng 49%; máy móc, thiết bị tăng 16%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,5%... Kết quả này giúp Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD sang Anh. Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 946,5 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021.

Mức tăng trưởng ấn tượng trên đã giúp kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019, sau khi bị giảm sâu trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kết quả này đã đưa Anh trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, kết quả trên có được là nhờ đòn bẩy vững chắc từ UKVFTA. Với UKVFTA, nhiều loại hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh được giảm thuế về 0% và có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với sản phẩm cùng loại của nhiều nước trong khu vực. “UKVFTA thực sự là đường cao tốc hai chiều, giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Đồng thời cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh mới chỉ chiếm 0,88% trong tổng nhập khẩu vào Anh. Bởi thế doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để tận dụng “cao tốc” UKVFTA đưa hàng Việt tới thị trường đầy tiềm năng này. Đặc biệt, gần đây Chính phủ Anh đang triển khai chiến lược thương mại “Nước Anh toàn cầu” nhằm thúc đẩy giao thương. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa với các đối tác nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại. Trong khi hàng hóa Việt Nam có lợi thế bổ sung mà không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Anh.

Giám đốc Trung tâm Hội nhập (Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang nhận định, không phải cứ ký kết hiệp định thương mại là có ngay thị trường hay khách hàng, nhất là với thị trường “khó tính” như Anh. Để thâm nhập thị trường Anh, các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, chủ động nắm vững nội dung cam kết để tận dụng hiệu quả UKVFTA. Mặt khác, doanh nghiệp cần cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh với hàng hóa của các nước xuất khẩu khác.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đinh Cao Khuê kiến nghị, các bộ, ngành, các vùng trồng đẩy mạnh tập huấn cho người nông dân về quy cách chăm bón, kiểm soát chất lượng nông sản… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở Anh, để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho mặt hàng nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần tạo cơ chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Còn Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng, những cam kết về thương mại điện tử trong UKVFTA mở ra kênh xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt tới thị trường Anh. Theo thống kê của sàn thương mại điện tử Alibaba, Anh nằm trong nhóm thị trường có lượng người mua qua thương mại điện tử nhiều nhất. Cụ thể với các ngành hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc, sản phẩm làm đẹp… thị trường Anh luôn thuộc tốp 10 quốc gia có người mua hàng lớn nhất.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Anh tổ chức nhiều hoạt động, góp phần xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ UKVFTA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng ''cao tốc'' UKVFTA đưa hàng Việt tới thị trường Anh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.