Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tầm thiếu, tiền cũng thiếu

Thế Dũng| 15/01/2010 06:43

(HNM) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, hiện ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổng cộng hơn 4.100 người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN địa phương. Số nhân lực này được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo, thiếu người chuyên làm công tác nghiên cứu và triển khai (R&D), đồng thời chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.


"Xẻo" bớt tiền của khoa học và công nghệ

Đánh giá chất lượng cây được nuôi trong ống nghiệm trong phòng nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc.
Ảnh: Đình Na


TS Hồ Ngọc Luật, Ban KHCN địa phương (Bộ KHCN) cho biết: Hằng năm, Nhà nước dành khoảng 20% ngân sách cho KHCN để bố trí cho hoạt động này ở các địa phương. Nhưng bình quân giai đoạn 2006-2008, các địa phương chỉ giải ngân cho KHCN được 83,9%. Còn lại 16,1% kinh phí của KHCN được dành cho các việc khác, không hoặc ít thuộc lĩnh vực KHCN... Điều đáng lưu ý là số kinh phí dành cho hoạt động R&D thường được các địa phương phân bố nhỏ, lẻ và khá manh mún cho các sở, ban, ngành, dẫn đến nhiều đề tài chỉ chi dưới 10 triệu đồng/năm. Có rất ít nhiệm vụ R&D được bố trí về cho các doanh nghiệp...

Được biết, hiện chỉ có 3/63 tỉnh là Vĩnh Phúc, Nghệ An và Hà Tĩnh đã dành cơ bản đủ 2% tổng chi ngân sách cho KHCN theo đúng quy định của Chính phủ và Luật KHCN. Đa số các địa phương còn lại mới dành khoảng 1%, thậm chí có tỉnh chỉ dành 0,2% tổng chi ngân sách, tức là ít hơn 10 lần so với quy định cho hoạt động KHCN nói chung.

Ngoài ra, sự phân bố nhân lực KHCN có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng, miền, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao, dẫn đến hoạt động KHCN địa phương gặp nhiều khó khăn. Khảo sát số lượng tiến sĩ và tiến sĩ khoa học tại 8 vùng trên cả nước thì riêng 2 vùng là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ đã chiếm tỉ lệ 90%, nhưng lại chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 6 vùng còn lại, vùng cao nhất cũng không có đến 4%. Riêng hai vùng khó khăn nhất là Tây Bắc và Tây Nguyên vẫn chưa có tới 1% tổng số tiến sĩ của cả nước.

Bắt đầu từ nhận thức

Thực tế là có rất nhiều người quan niệm hoạt động KHCN tập trung ở các viện nghiên cứu, trường ĐH chứ không phải là gắn liền với cuộc sống thường ngày của chính họ. Trong khi đó, với khoảng 76% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, đất trồng lúa đang bị thu hẹp bởi đô thị hóa, công nghiệp hóa, đòi hỏi áp dụng tiến bộ KHCN là vấn đề cần phải đẩy mạnh. Nhưng sự phát triển của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN địa phương (TT) thời gian qua cho thấy phần nào thực trạng này.

Theo Bộ KHCN, đến nay cả nước đã có 60/63 tỉnh thành lập các TT nhưng tiềm lực của các đơn vị này còn rất nhỏ bé. Nhiều đơn vị chưa có cán bộ có trình độ cao, trình độ trên ĐH. Hầu hết các địa phương chưa có định hướng R&D, tăng cường tiềm lực cho các TT ngay cả khi đã được Trung ương bố trí kinh phí cho các dự án ĐTPT. Các TT không những thiếu nhân lực, trang thiết bị mà còn không theo kịp đòi hỏi về ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới từ cơ sở, dẫn đến hoạt động ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu. Một số sở, ngành, địa phương cũng chưa quan tâm đến cơ chế tự chủ của các TT, vì nếu thực hiện thì các quyền lợi liên quan cũng bị ảnh hưởng do có thể phải thay đổi trong cách thực hiện các đề tài nghiên cứu, vốn trước đây theo cách "xếp hàng, chỉ tên sẵn" bộc lộ nhiều bất cập.

Không chỉ gặp khó về tài chính, nguồn lực, hoạt động KHCN địa phương cũng đứng trước những rào cản khá lớn về cơ chế, chính sách. Theo GS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh thì thủ tục, cơ chế đầu tư cho KHCN sau nhiều năm vẫn chưa được cải tiến, chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này, do vậy, thời gian thực hiện các dự án đầu tư kéo dài khoảng 3-5 năm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả... Cũng vì những hạn chế này, với đặc thù của mình, mỗi địa phương đã phải tự vận động để tìm ra hướng đi thích hợp.

Vài năm gần đây, Đà Nẵng là một trong không nhiều địa phương có nhiều đột phá trong phát triển tiềm lực KHCN. Những cán bộ khoa học trẻ về Đà Nẵng công tác đã nhận được nhiều đãi ngộ về đào tạo, đất đai... nên nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương này vài năm qua đã tăng lên rõ rệt. Thống kê chưa đầy đủ của Sở KHCN Đà Nẵng cho thấy, ở đây hiện có khoảng 1.700 người có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã triển khai một số dự án đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN như: dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học và Ứng dụng KHCN; dự án xây Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội; dự án xây Viện Ứng dụng bức xạ...

Kinh nghiệm tại Đà Nẵng và một số nơi khác cho thấy, nơi nào lãnh đạo địa phương hiểu được rằng hoạt động KHCN có tính "trễ", không tức thời tạo ra hiệu quả tính ngay ra bằng tiền bạc thì ở đó công việc này tự thân gặp nhiều thuận lợi và ngược lại. Đáng tiếc là việc này đã trở thành hạn chế cố hữu ở nhiều địa phương và chưa có cách giải quyết thỏa đáng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm thiếu, tiền cũng thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.