Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm sự xúc động của thí sinh Hoa khôi Vầng trăng khuyết

Theo Việt Hùng/Zing| 24/12/2015 20:31

Các thí sinh tham gia cuộc thi Hoa khôi Vầng trăng khuyết đã có những câu chuyện kể xúc động trên sân khấu lý do vì sao từ một cô gái xinh đẹp lại trở thành người khuyết tật.


Đêm chung kết cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết lần thứ hai diễn ra tối 23/12 tại một khách sạn ở Hà Nội. Đây là chương trình dành cho người khuyết tật Việt Nam với tiêu chí vẻ đẹp không phụ thuộc vào một cơ thể hoàn chỉnh.


Các thí sinh tham gia với ba phần thi: Vẻ đẹp của tôi, Tài năng của tôi và Trí tuệ của tôi. Tại phần thi đầu tiên, các thí sinh lần lượt cởi mặt nạ, tượng trưng cho việc xoá bỏ mặc cảm để tự tin thể hiện vẻ đẹp của mình.


Tại phần thi tài năng, nhiều tiết mục độc đáo đã được các cô gái thể hiện hấp dẫn với những câu chuyện cảm động. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (Đồng Tháp) trong một lần đi dạy học ở vùng sâu, vùng xa đã bị tai nạn cướp mất đi một chân. Sau đó, Tâm vẫn quyết tâm theo nghề gieo chữ. Không những có thể đứng lớp mỗi ngày, cô giáo trẻ còn có thể biểu diễn múa sen uyển chuyển.


Phan Thị Mỹ Châu (Nghệ An) từng là một cô gái xinh đẹp, được nhiều người yêu quý. Bạn trai từng dẫn cô về nhà ra mắt bố mẹ nhưng không may chuyến xe chở cô và bạn bè bị lật, Châu vĩnh viễn không thể bước đi trên đôi chân của mình và cũng mất luôn cả tương lai rực rỡ phía trước. Cô đã không bỏ cuộc và làm kế toán cho một công ty bảo hiểm. Trong những thời gian khó khăn ấy, mẹ chính là người đã đồng hành, giúp đỡ Châu vượt qua. Trong đêm chung kết, Châu thể hiện bài hát Tình mẹ để gửi gắm tình cảm với người mình yêu thương nhất.


Thạch Phương Lynh (Sóc Trăng) sinh ra bình thường như bao bạn khác. Năm 3 tuổi, sau một trận sốt, gia đình không để ý rồi chân Lynh yếu dần và bại liệt. Từ thời học cấp 3 đến khi là sinh viên đại học, Lynh thèm được mặc áo dài nhưng không dám. Lý do là phải nhờ mọi người chở nên cô sợ lùng bùng, vướng víu. Nhưng trong đêm chung kết, cô giáo sinh năm 1986 đã được mặc váy Khmer và thể hiện điệu múa bằng đôi tay của mình.


Thi xong tốt nghiệp phổ thông, Tạ Thị Duyên (Đăk Lak) cùng bạn bè về nhà chơi liên hoan. Sau khi cắm phone nghe nhạc vào tai bỗng cô thấy như nổ bùng rồi không nghe thấy gì nữa. Cả nhà hoảng hốt đưa Duyên ra tận Hà Nội chữa trị nhưng sau 3 tháng các bác sĩ vẫn "bó tay". Thế giới xung quanh bỗng yên lặng nhưng Duyên không chịu đầu hàng số phận. Cô thi đỗ vào khoa Công nghệ may, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. 4 năm lên giảng đường không được nghe tiếng thầy cô giảng mà chỉ đoán qua khẩu hình, đọc trên bảng, về nhà tự học và tự đọc trên mạng nhưng Duyên vẫn tốt nghiệp. Hiện nay, Duyên đang làm cho một công ty may ở Buôn Mê Thuột.


Nguyễn Thị Thanh Hoa (Nghệ An) say mê với việc viết lách từ nhỏ. Năm lớp 3 cô đã gửi bài cho các báo và hiện nay đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành một nhà thơ. Trong phần thi tài năng, Hoa đã thể hiện tiết mục kết hợp giữa MC, thơ và hát để thể hiện niềm khát khao tình yêu của những người khuyết tật.


Bước sang phần thi Trí tuệ của tôi, các thí sinh có dịp thể hiện suy nghĩ, góp ý của mình về các vấn đề để cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật, giúp xoá nhoà ranh giới giữa họ và cộng đồng.


Bằng câu trả lời: "Xã hội cần thay đổi thái độ phân biệt, kỳ thị với người khuyết tật, để họ có cơ hội tiếp cận với những công việc ở trình độ cao hơn", Nguyễn Thị Thanh Hoa đã giành danh hiệu Hoa khôi Vầng trăng khuyết 2015.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tâm sự xúc động của thí sinh Hoa khôi Vầng trăng khuyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.