(HNM) - Nói đến tẩm quất, người ta thường nghĩ đến những người khiếm thị với manh chiếu ở bến tàu, bến xe, những người đấm bóp cho khách kiếm vài đồng sống qua ngày đoạn tháng. Nhưng giờ thì khác, người hành nghề tẩm quất không chỉ có người khiếm thị mà có cả nam thanh, nữ tú. Tẩm quất thời nay cũng lắm chuyện đáng bàn…
(HNM) - Những mảnh đời…
Năm 2001, ông Minh 86 tuổi, dân "làng quất" có thâm niên không ai là không biết ông. Người ta gọi ông là Minh "chó", vì ông có mấy chục năm đi buôn chó thịt từ Phủ Lý lên Hà Nội, bán hết hai lồng lại chờ tàu về và trong lúc chờ, ông trải manh chiếu ngay trong ga Trần Quý Cáp tranh thủ đấm cho vài khách kiếm thêm tí chút.
Ông Minh không học ai mà do vất vả nên cứ thấy oải là ông đi tẩm quất, đấm nhiều nên thuộc bài và thế là hành nghề. Nhưng hành nghề được ở ga vốn đầy rẫy những tay "anh chị" cũng không là chuyện dễ dàng. Không dưới ba lần ông đã lôi chó trong lồng ra làm vũ khí và hàm răng chó nhe ra cũng làm cho đối thủ khiếp sợ. Rồi một bữa rượu tưng bừng kết nghĩa huynh đệ diễn ra tại phố Ngô Sỹ Liên, ông uống say đến mức kẻ trộm bê đi cả hai lồng chó mà không hay biết. Minh "chó" tuy tay ngang nhưng đấm khéo, hai bàn tay như múa trên lưng tạo cảm giác dịu dàng nhưng các cơ bắp vẫn có cảm giác. Chỉ cần chạm vào da khách là ông biết khách này "ăn nặng hay ăn nhẹ" (đấm mạnh tay hay nhẹ tay).
Hội viên Hội Người mù tẩm quất cho khách. |
"Bãi" ga Trần Quý Cáp tồn tại đến năm 1985 thì bị giải tán. Đám tẩm quất cả già cả trẻ ôm chiếu, xách điếu về Bách hóa số 5 đường Nam Bộ và trước nhà vệ sinh công cộng Cửa Nam. Khoảng 9 giờ tối, các quán khu vực này dọn hàng là đã có người trải chiếu, hút thuốc lào vặt chờ khách. Gần 11 giờ thì "bãi" đông hẳn. Tôi nhớ là một ngày hè năm 1992, ra đây tẩm quất. Người đấm cho tôi tóc muối tiêu, thân thể to chắc nhưng ăn nói nhẹ nhàng dễ chịu. Và trong một buổi tối nóng nực, ông hé lộ tên là Vượng, từng là bộ đội. Về hưu, kinh tế gia đình quá khó khăn, đồng lương không đủ chi trả những sinh hoạt thiết yếu nhưng chẳng biết làm gì. Đời binh nghiệp chỉ biết cầm súng. Loay hoay mãi mà chưa biết làm thêm cái gì. Đầu tiên, ông tính chuyện chữa xe đạp, nhưng một hôm đi qua Cửa Nam thấy người cởi trần nằm la liệt trên vỉa hè, tiếng vỗ lúc giòn lúc phèn phẹt vang một góc phố, tò mò ông vào xem té ra là người ta đang tẩm quất. Chợt nhớ hồi huấn luyện đặc công ở Trung Quốc, các sĩ quan quân y nước bạn có dạy cho những bài phục hồi sức khỏe sau mỗi trận đánh bằng cách xoa bóp, bấm huyệt. Thế là ông quyết định sắm chiếu ra Cửa Nam hành nghề. Không có ai ở "bãi" này bảo lãnh nhưng trông ông như hộ pháp nên cũng chẳng ai hầm hè vả lại đã ra đầu đường kiếm ăn là cực chẳng đã nên dân quất cũng mặc... Ngày đầu ngồi một mình một góc. Rồi dần dần cũng hòa nhập được với anh em và có khách quen. Năm 1993, ông đấm cho một khách, trong câu chuyện không đầu không cuối, người kể từng là lính đặc công, ông hỏi thêm vài câu, tim ông thình thịch vì là người cùng đơn vị. Cầm tiền công xong ông vờ quay mặt đi vì xấu hổ.
Khoảng năm 2000, cơ sở tẩm quất ngay cạnh ngõ Văn Chương có hơn chục người đều khiếm thị. Chủ cơ sở là một phụ nữ mù lòa và những vết sẹo do a-xít gây nên vẫn không phủ lấp được khuôn mặt đẹp. Trước kia, chị là một phụ nữ làm ăn tài giỏi. Năm 1990, chị buôn bán bên Nga, sau đó sang Ba Lan. Tin người, chị cho một bạn buôn vay 60.000 USD, nhưng khi đòi nhân một lần về nước, chị bị tạt a-xít hỏng cả hai con mắt. Uất ức nhưng không gục ngã trước số phận, chị mở cơ sở tẩm quất để sống và tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Một người đàn ông chưa vợ hay đến tẩm quất biết chuyện thán phục ý chí của chị đã đem lòng yêu mến và họ nên duyên.
Một mảnh đời khác xem ra cũng thăng trầm, ông nguyên là giáo viên dạy môn văn THPT ở ngoại thành Hà Nội. Ông lấy vợ kém gần 30 tuổi, thời bao cấp, giáo viên được coi là tấm gương đạo đức cho học sinh nên nhà trường cho nghỉ việc với lý do: lấy vợ đáng tuổi con. Từ một giáo viên dạy giỏi, thuộc lòng các bài thơ hay, những áng văn đẹp, ông trở thành một anh tẩm quất. Hằng ngày, 5 giờ chiều, ông đạp xe từ quê ra phố Bạch Mai hành nghề cho đến sáng hôm sau lại mải miết đạp về. Qua chợ mua thức ăn cho vợ, nấu nướng xong mới ngủ. Ông giải thích việc thành anh tẩm quất: "Chú em tôi làm nghề này, trong lúc chưa biết làm gì nuôi vợ nên tôi đi theo. Làm lâu thấy cũng được, vả lại vợ tôi cũng đồng tình".
Đa người, đa cảnh
Loại trừ mát xa kiểu Thái Lan (sử dụng cơ thể là chủ yếu) còn mát xa kiểu Việt Nam thì cũng là tẩm quất. Họ gọi là mát xa nghe cho Tây và để câu khách. Chỉ có điều họ xoa nhiều hơn đấm và chưa bao giờ bấm tới huyệt. Ông Hùng, chủ một cơ sở tẩm quất ở phố Bạch Mai nói: "Tẩm quất nghĩa là tìm đánh mà đánh thì phải mệt. Ai khỏe thì một ngày đấm được 6, 7 khách là bã người vì ngoài mất lực còn bị mất khí". Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 1.000 cơ sở mát xa và tẩm quất. Không có con số thống kê cụ thể nhưng số nhân viên nữ cũng lên đến hàng nghìn. Và từ một phương pháp chữa bệnh theo kiểu lý liệu pháp, tẩm quất bị biến tướng thành mát xa; không ít cơ sở mở ra với mục đích khác.
Nếu trước kia tẩm quất chẳng ai tính thời gian, đấm hết bài thì thôi nhưng bây giờ thời buổi công nghiệp tính theo tiếng, mỗi tiếng giá 80.000 đồng, cạo gió 30.000 đồng và giác cũng 30.000 đồng. Làm tự do, không vào cơ sở nào thì thu nhập cao hơn nhưng đôi khi cũng rách việc vì có thể bị dân nghiện hút hay côn đồ trấn lột. Làm cho chủ tuy phải ăn chia nhưng đều khách, không lo mùa đông, tháng giá, tối có chỗ ngủ và tắm giặt hằng ngày không mất tiền điện, nước. Khách thời nay cũng lắm loại. Thành hành nghề ở phố quất Quán Thánh kể, có lần anh nhận được điện thoại gọi vào máy di động yêu cầu đến nhà. Lóc cóc đạp xe tìm được địa chỉ, vào nhà mới biết khách là đồng tính. Họ không tẩm quất mà trả tiền cao gấp 4 gấp 5 lần để thỏa mãn thú khác. Long bạn Thành cũng làm tẩm quất ở Quán Thánh gặp một "ca" khó, khi anh mở cửa phòng khách sạn, một bà xồn xồn "mắt xanh mỏ đỏ" cười đầy hàm ý. Rất nhiều phụ nữ cũng thường xuyên tẩm quất song ca này thì Long "bó tay" vì "thời buổi bệnh tật toàn thứ nan y mà giá thuốc tăng hằng ngày nên em sợ lắm…". Long cũng phàn nàn rất sợ quất cho Tây, tấm thân to đùng đấm mỏi tay vẫn chưa hết cái lưng, lại còn mùi gây gây vì ăn nhiều bơ sữa đến khó chịu.
Bây giờ không còn cảnh tẩm quất nhếch nhác, bụi bẩn và mất an ninh trên hè phố như một thời. Vài ba người chung nhau thuê nhà để mở cơ sở. Giường có gối, có ga trắng đàng hoàng nhưng chỉ có điều nó không được thơm tho cho lắm. Tẩm quất giờ cũng không còn là nghề của người khiếm thị. Kẻ nghiện ngập cũng làm lấy tiền hút hay chích choác. Ai biết được họ có nhiễm HIV hay không? Nhiều người to khỏe, sáng mắt cũng lao vào cạnh tranh. Trong khi lòng nhân ái đang khan hiếm lại không có quy định nào của cơ quan quản lý nên họ giành giật miếng ăn với cả người mù lòa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.