Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tẩm quất ơ!

Nguyễn Ngọc Tiến| 14/05/2011 05:49

(HNM) - Nói đến tẩm quất, người ta thường nghĩ đến những người khiếm thị với manh chiếu ở bến tàu, bến xe, những người đấm bóp cho khách kiếm vài đồng sống qua ngày đoạn tháng. Nhưng giờ thì khác, người hành nghề tẩm quất không chỉ có người khiếm thị mà có cả nam thanh, nữ tú. Tẩm quất thời nay cũng lắm chuyện đáng bàn…

Những cửa hàng tẩm quất thời nay trên phố Thụy Khuê. Ảnh: An Hòa

Xuất xứ của tẩm quất không phải do mấy ông lang như nhiều người nghĩ, nghề này bắt đầu từ mấy người khiếm thị sống bằng tâm phúc ở nhà thương Hàng Bột (nằm trong nhà thờ Hàng Bột).

Nhà thờ Hàng Bột do một bà xơ xây dựng vào năm 1907. Nhà thờ này thu nhận những đứa trẻ bị dị tật nhưng gia đình không có điều kiện chạy chữa, thuốc men, con hoang bị bỏ rơi. Năm 1918, nhà thờ nhận nuôi thêm một số vợ Tây già và những người mù lòa không nơi nương tựa. Người mù lòa được bố trí sống ở hai dãy nhà gianh, một dành cho nam, một cho nữ. Khi số người sống bằng tâm phúc nhiều lên thì chính quyền thành phố hỗ trợ mỗi trẻ 3 đồng. Số tiền đó, cộng thêm sự giúp đỡ của những người hảo tâm song vẫn chưa đủ nuôi ăn cho số người cậy nhờ nơi này ngày càng đông. Và để thêm kinh phí, tùy theo sức khỏe mà nhà thờ tìm việc để họ làm. Đàn bà tàn tật được dạy đan áo, móc, khâu vá, giặt giũ quần áo cho học sinh trường dòng. Con trai lớn lên được học nghề làm mộc, nghề da hay trồng trọt ở vườn phía sau nhà thờ. Duy có đám người bị mù lòa không phải làm thêm và họ chỉ giúp việc vặt cho các xơ. Ăn rồi lại quẩn quanh trong khu vực nhà thờ. Không ít người khi trái nắng, trở trời thân mình ê ẩm nhưng không rõ là bệnh gì nên các xơ cũng không biết cho thuốc thế nào. Trong số mù lòa có một người đàn ông Hoa kiều quê Quảng Đông, biết chút ít về bấm huyệt và xoa bóp. Và thế là khi có ai kêu đau người, anh này liền xoa bóp và bấm huyệt. Thấy hiệu quả nên cứ hơi mỏi người là họ lại nhờ, khiến "chú khách" mệt nhoài. Và để đỡ mệt, "chú khách" dạy cách đấm bóp cho mọi người. Thế là, tối tối, trước khi đi ngủ, người này đấm bóp cho người kia. Từ những bài đơn giản ban đầu do "chú khách" truyền lại, dần dần mọi người "sáng tạo" thêm và thế là thành "bài", đầu tiên là đấm lưng, tiếp đó là đùi và hai bắp chân rồi bóp hai tay. Cách làm kêu các đốt sống và các khớp tay, khớp chân cũng do những người khiếm thị ở nhà thờ Hàng Bột "chế" ra.

Khá nhiều người hài lòng với cuộc sống dựa vào lòng tốt của nhà thờ nhưng cũng không ít người khiếm thị áy náy khi biết miếng ăn hằng ngày cho họ có cả công sức của con trẻ được nuôi dưỡng trong nhà thờ. Lại có người nghiện thuốc lào và nước chè, thi thoảng trốn ra phố xin khách qua đường. Một hôm, có thanh niên tên là Kiệt bị du côn đấm mù hai mắt, phải nương nhờ nhà thờ kể rằng khi mắt còn sáng, anh chứng kiến những con bạc thức đêm phờ phạc thuê đám rỗi việc đấm lưng, bóp tay. Người đầu tiên hưởng ứng việc đi kiếm tiền bằng đấm bóp cho đám cờ bạc là Quang (sau này ông Quang lấy vợ và sống ở phía sau nhà thờ). Chờ các xơ ngủ, Quang trèo tường ra ngoài, lần mò xuống Ngã Tư Sở gạ gẫm đấm lưng cho đám đánh bạc. Đầu những năm 30, khu Ngã Tư Sở còn là bãi rác, nhiều người vô gia cư dựng lều quán sinh sống và mở các chiếu bạc còi. Nơi đây cũng là chỗ tụ tập của dân anh chị mỗi khi cảnh sát vây bắt trên phố. Mỗi lần đấm lưng, họ trả cho Quang vài xu. Sau "thắng lợi" đầu tiên của Quang, vài người đi theo ông mong kiếm tiền thuốc nước. Và thế là tối tối, rất nhiều người trốn đi, họ chia nhau ra các khu vực. Có người xuống cả ấp Thái Hà đấm cho khách hát cô đầu. Có người xuống Cống Trắng (phố Khâm Thiên) đấm cho đám khách làng chơi. Tiền công tùy theo khách hào phóng hay keo kiệt. Ông Quang kể, có lần khách sĩ diện với cô đầu nên đã cho ông hẳn 2 hào, số tiền ấy lúc đó có thể ăn sáng trong 20 ngày.

Năm 1932, nhà hát cô đầu ở ấp Thái Hà bị tên Trần Tiến, một cường hào ở đây phá, phải chuyển về Khâm Thiên. Một suất hát là 20 đồng (lương công chức lúc ấy là 40 đồng/tháng) nên các nhà hát giữ chân khách bằng cách cho các đào hát và đào rượu mặc yếm "hờ hững" và ca ngợi món tẩm quất như liều thuốc tiên. Thế là những người đấm bóp khiếm thị có đất để sống. Thấy tự kiếm sống được nên nhiều người xin các xơ ra khỏi nhà thờ. Mấy người chung nhau thuê một phòng trọ. Ban ngày quanh quẩn trong xóm, buổi tối mới dò dẫm ra phố cô đầu Khâm Thiên, người thì ra ga Hàng Cỏ. Có anh mồi chài được em bán quà rong đã thuê nhà ở riêng và sinh con đẻ cái.

Về chuyện dân tẩm quất xủng xoảng xâu xèng và mặc đồ trắng, ông Quang kể, tuy khiếm thị nhưng ông nhanh nhẹn và khỏe khoắn, biết cách đấm lúc mạnh lúc nhẹ nên bác sỹ Liêm nhà ở phố Quán Sứ rất hay gọi đến nhà đấm lưng cho cụ thân sinh. Thấy Quang ăn bận không vệ sinh nên ông Liêm tự áng chiều cao rồi đặt may cho áo dài trắng (gần giống như áo blu trong ngành y). Thấy mỗi lần Quang đến nhà gọi cửa ầm phố nên sẵn các nắp bia Hommel, ông nhờ phu xe đập phẳng và đục lỗ rồi xâu vào sợi dây thép nhỏ để Quang đến cửa thì lắc lắc xâu xèng, người ở sẽ ra mở cửa. Dần dà khách Tây cũng gọi họ đến đấm tại nhà nhiều hơn. Tây rất thích tẩm quất nhưng họ không gọi người sáng mắt vì sợ là Việt Minh, chỉ gọi người khiếm thị.

Năm 1965, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc trong đó có Hà Nội. Không chỉ cầu đường, bến phà, trận địa phòng không mà nhà ga, khu dân cư cũng trở thành mục tiêu của máy bay Mỹ. Lúc đó, người không có nhiệm vụ, trẻ em phải rời thành phố về các vùng quê. Song dân tẩm quất vẫn bám trụ, đơn giản họ là dân tự do, không tem phiếu, không sổ gạo, đi sơ tán thì lấy gì bỏ miệng? Đi rong mỏi chân cũng không có khách gọi vào nhà, nên các bác tản ra, người về trải chiếu ở phố Phan Bội Châu (khách đi xe lửa tập trung ở phố này) tẩm quất cho khách chờ tàu, người thì xuống bến xe Kim Liên, (nay là khách sạn Nikko), lên Bến Nứa (nay là trước cửa chợ Long Biên) hành nghề. Thế là nghề tẩm quất vỉa hè ra đời. Ở bến xe Kim Liên có ông Vạn mù đấm đến mức "huyền ảo" nên lúc nào cũng có khách xếp hàng chờ đến lượt. Ông Quang nổi tiếng bởi đấm như hạc bay, khách dù phải chờ lâu cũng chấp nhận. Lứa ông Quang còn có ông Bồng, đấm lưng như chơi piano làm khách Tây trắng tưởng ông học nhạc ở Paris. Không biết lứa khiếm thị từng sống dựa vào tâm phúc ở nhà thờ Hàng Bột làm nghề tẩm quất, nay ai còn ai mất.

Những năm 1940, tẩm quất xuất hiện tại Hải Phòng. Tuy nhiên "dân tẩm " Hà thành được đánh giá cao về nghề và tẩm quất trở thành "đặc sản" đường phố của Hà Nội. Trong suốt thời gian dài, người lành lặn không ai làm nghề này một phần bởi họ có lòng tự trọng, phần khác không muốn bị coi là dân "đầu đường xó chợ"...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tẩm quất ơ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.