Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tầm nhìn mới về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

PGS.TS. Trần Viết Lưu| 20/05/2021 06:13

(HNM) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Với tầm nhìn mới, bài viết đã làm sáng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta - một vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm.

1. Toát lên trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lời khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được đặt tiền đề từ lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm và Đảng Cộng sản Việt Nam đã kế thừa truyền thống dân tộc, lĩnh hội, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để xác định những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp với Việt Nam.

Trở lại lịch sử có thể thấy, giữa những sự hỗn dung các thứ chủ nghĩa, sự va chạm, xung đột các luồng tư tưởng mác xít và phi mác xít vào những năm 20 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đóng vai trò bảo vệ, khẳng định tính mở đường đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin, làm nổi bật vai trò chủ nhân lịch sử của quần chúng cách mạng. Ngay trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Tính quyết đoán như vậy của Nguyễn Ái Quốc tiếp tục được thể hiện trong Chính cương vắn tắt của Đảng. Đó là về chiến lược cách mạng: Tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Về nhiệm vụ cách mạng: Đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến, tư sản phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam độc lập tự do, lập chính phủ công, nông, binh và quân đội công nông; tịch thu sản nghiệp của đế quốc và phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất. Về lực lượng cách mạng: Công nông, tiểu tư sản, trí thức, lợi dụng hoặc trung lập phú nông, địa chủ, tư sản. Cách mạng phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới. Về lãnh đạo cách mạng: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp vô sản.

Trên đây là 4 trụ cột của cỗ xe cách mạng, gánh vác sứ mệnh lịch sử dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là người cầm lái. Các giai tầng có tinh thần dân tộc liên minh đoàn kết trong nước là động lực cách mạng, mở rộng đoàn kết quốc tế để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, mang lại quyền con người cho đồng bào ta. Tính chất cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với mang lại quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Độc lập dân tộc là tiền đề quyết định cho dân sinh, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân. Định hướng tương lai là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, có như vậy mới bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của con người. Những tiền đề xuất phát điểm đúng và trúng, bắt nhịp thời đại như vậy đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định, trung thành, sáng tạo, bổ sung, hoàn thiện, phát triển làm kim chỉ nam trong lãnh đạo cách mạng nước ta trong 91 năm qua.

Cương lĩnh chính trị tháng 10-1930; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), cùng với các nghị quyết qua 13 kỳ đại hội Đảng tuy có dung lượng và cách biểu đạt ở những mức độ khác nhau, song về bản chất vẫn nhất quán với định hướng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đọng lại tâm nguyện vĩnh hằng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Khi vĩnh biệt Người, trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam có lời thề thứ hai là: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”. Những điều thiêng liêng trong Di chúc cũng như trong Điếu văn đã bao hàm những thành tố bảo đảm thành công cho Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.

2. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ tư duy chính trị nhiều chiều, mức độ hoàn thiện, sắc sảo của người đứng đầu Đảng, phản ánh tầm vóc trí tuệ chung của Đảng qua hơn 9 thập kỷ lãnh đạo đất nước. Trên nền tảng chế độ chính trị ưu việt, vị thế trung tâm của cách mạng, mục tiêu, động lực thúc đẩy cách mạng là mang lại quyền sống và quyền hạnh phúc của CON NGƯỜI, đặt NHÂN DÂN vào sự hội tụ mọi quyền hành chính trị và xã hội, coi VĂN HÓA là cội nguồn sức mạnh nội sinh dân tộc.

Nếu kết nối, xâu chuỗi các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 2017), 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2019) và bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, thì Đảng Cộng sản Việt Nam có được những luận điểm cơ bản, như một phát kiến chủ thuyết phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, mang tầm nhìn thế kỷ. Bài viết cũng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ta được bồi đắp thêm niềm tin, động lực và tinh thần tiến công cách mạng không ngừng vượt qua mọi khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Đáng lưu ý, bài viết khẳng định, giữa dông tố thời đại, nhất là từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định lập trường tư tưởng cách mạng, không quay lưng phản bội lịch sử, vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng không đổi tên, không đánh mất bản chất giai cấp của mình, đồng thời cũng không thay tên nước, không đổi màu chế độ, nhờ vậy mà thu phục được nhân tâm. Nhân dân không dao động trước mọi biến cố thời cuộc, một lòng một dạ tin tưởng và đi theo Đảng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thành công, người dân Việt Nam được thay đổi thân phận từ nô lệ thành người làm chủ đất nước, được đặt vào trung tâm của chế độ mới; chính quyền được thành lập mang tính chất là nền chính trị phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố trong 76 năm qua vận hành theo ý Đảng và lòng dân, tư tưởng “Dân là gốc” như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi giai đoạn lịch sử. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được đánh giá là sự thể hiện rõ nét hơn nhân dân có vai trò quyết định thành bại cách mạng, quyết định thành bại xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Từ sự xác thực lịch sử như vậy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vị thế mới, tầm vóc mới, vận hội mới của dân tộc Việt Nam hiện nay đủ để tự tin nuôi dưỡng khát vọng đưa sự nghiệp đổi mới lên tầm cao mới, làm cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam rõ nét hơn, định hình những giá trị sống cho con người tốt đẹp hơn. Qua đó, góp phần đắc lực vào tiến bộ, văn minh nhân loại, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách triệt để nhất.

Với nhận thức trên, chúng ta hoàn toàn phấn khởi, tin tưởng rằng, vào giữa thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta sẽ là một dân tộc cường thịnh, có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn mới về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.