(HNMO) - Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 3-2020, số người bị mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Kịch bản dễ xảy ra nhất là cả nước có khoảng 440.000 - 880.000 lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Trong thời gian tạm nghỉ việc, người lao động sẽ được hưởng một số quyền lợi theo quy định, nhưng đó là quyền lợi gì, thì không phải ai cũng biết.
Thỏa thuận tiền lương, mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng
Từ đầu năm 2020 đến nay, một số đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Riêng tháng 1 và 2-2020, cả nước có khoảng 10% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và tỷ lệ này tăng lên khoảng 15% vào tháng 3. Việc một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm giờ làm hoặc cho người lao động nghỉ việc trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là không vi phạm pháp luật. Bởi điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rõ: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh...), mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Nếu phải nghỉ việc, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc trước đó. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc.
Về mức tiền lương, theo quy định tại điều 98 của Bộ luật Lao động thì "tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng”. Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 là 4.420.000 đồng/người/tháng với vùng I; mức 3.920.000 đồng/người/tháng với vùng II; mức 3.430.000 đồng/người/tháng vùng III; mức 3.070.000 đồng/người/tháng với vùng IV.
Trong trường hợp người lao động đang làm việc bình thường mà phải ngừng việc do cách ly vì dịch Covid-19 (không do lỗi của người lao động lẫn người sử dụng lao động) thì người lao động được nhận lương ngừng việc theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đặc biệt, theo khoản 2, điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012, nếu phải nghỉ làm vì cách ly mà ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thì người lao động cũng không phải bồi thường.
Còn theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, người lao động bị thất nghiệp sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hằng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa). Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Ngoài ra, người lao động sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ
Kết quả rà soát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 1 và 2-2020, cả nước có khoảng 10% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 15% trong tháng 3. Các ngành, nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may, vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống…
Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất 6 nhóm giải pháp để hỗ trợ người lao động, bao gồm: Nhóm về bảo hiểm xã hội; nhóm về bảo hiểm thất nghiệp; nhóm hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; nhóm hỗ trợ từ ngân sách địa phương; chính sách tín dụng đối với lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; nhóm đề xuất liên quan tới dừng đóng, giảm kinh phí công đoàn.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí và tử tuất, áp dụng với những doanh nghiệp có hơn 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 và doanh nghiệp bị giảm thu 50% do ảnh hưởng của dịch. Nếu các đề xuất được thông qua, ước tính cả nước có khoảng 1,5 - 3 triệu người lao động; 100.000 - 200.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ với số tiền dự kiến từ 25.000 - 49.000 tỷ đồng, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020.
Ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 378.000 người trong quý I-2020. Đối với người lao động bị thất nghiệp đang chờ nhận trợ cấp thất nghiệp phải đi cách ly y tế hoặc bị nhiễm Covid-19 không thể đến nhận tiền theo thời hạn quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất cơ quan chức năng cho phép lùi thêm thời gian nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian cách ly y tế hoặc điều trị do nhiễm Covid-19. Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội còn hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp trong khai báo y tế điện tử…
Các tỉnh, thành phố cũng đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như cho vay vốn ưu đãi; hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm mới; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội… Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ, các cơ quan, đơn vị chức năng luôn quan tâm, đồng hành với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp họ có điều kiện vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.