Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm gương kiên trung, bất khuất

Võ Lâm| 11/06/2012 06:47

(HNM) - Những thử thách ngục tù thực dân vô cùng khắc nghiệt không những không thể khuất phục được ý chí bất khuất của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thiện (tên khai sinh của đồng chí Phạm Hùng) mà còn tôi rèn cho Đảng và nhân dân Việt Nam một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn.


Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng để lại cho chúng ta một tấm gương sáng với những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Đồng chí Phạm Hùng trò chuyện với các thầy, cô giáo và học sinh dự thi quốc tế các môn Nga văn, toán và vật lý ngày 17-9-1987.

Mười sáu tuổi đời, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Phạm Hùng đã bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Ông tham gia vào các phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên ở quê hương Vĩnh Long. Hai năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được bầu làm Bí thư chi bộ trường học. Những phẩm chất lãnh đạo nổi bật của chàng thanh niên có lẽ đã gây ấn tượng mạnh để chỉ một năm sau đó, khi ở vào tuổi 19, ông được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Vào tuổi đôi mươi, ông đã sớm phải đối diện với những thử thách vô cùng khắc nghiệt của đời người. Chỉ trong hai năm 1931-1932, ông đã bị thực dân Pháp kết án hai lần, lần thứ nhất là 3 năm tù, 3 năm quản thúc; lần thứ hai ông bị kết án tử hình, bị đưa vào xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Nhưng nhờ các phong trào đấu tranh trong và ngoài nước, ông được giảm xuống án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo từ đầu năm 1934.

Mười lăm năm ngục tù, trong đó có 12 năm bị giam giữ ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo đã không những không khuất phục nổi, mà còn tôi rèn ông càng thêm mạnh mẽ. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, chính ông với tư cách Bí thư Đảo ủy đã lãnh đạo anh em tù nhân chớp thời cơ giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất. Tháng 9-1945, ông từ Côn Đảo trở về và ngay lập tức tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, khởi đầu từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Từ đó cho đến năm 1975, ông đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng như Bí thư Xứ ủy Nam bộ kiêm Giám đốc Nha Công an Nam bộ; Phó Bí thư rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam… Dù trên cương vị nào, ông đều có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Nổi bật trước hết là trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam bộ, ông đã cùng tập thể góp phần quan trọng trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam bộ, lập nhiều chiến công vẻ vang, được Bác Hồ khen tặng danh hiệu "Nam bộ thành đồng". Với tư cách Giám đốc Nha Công an Nam bộ (Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc), ông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng công an cách mạng ở Nam bộ đáp ứng yêu cầu bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ nhân dân và loại trừ các phần tử ác ôn. Lý luận về xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam của ông vẫn còn ảnh hưởng lớn cho đến tận hôm nay.

Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Thống nhất TƯ, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở tạo bước ngoặt cho cách mạng từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi. Năm 1967, ông được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm quân và dân miền Nam đang bí mật gấp rút chuẩn bị và tiến hành đòn tiến công chiến lược Tết Mậu Thân (1968). Cuộc tổng tiến công có ý nghĩa vô cùng quan trọng này đã thay đổi chiến lược chiến tranh của kẻ thù và buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán. Tính từ cuối năm 1968 đến hạ tuần tháng 4-1975, dưới sự chỉ đạo của ông, Trung ương Cục đã có nhiều chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng trong đô thị, xác định rõ thành thị là một trong ba vùng chiến lược của cách mạng miền Nam và có vị trí quyết định về chiến lược để giành thắng lợi cuối cùng "Đưa non sông Việt Nam thu về một mối".

Sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Phạm Hùng còn được tiếp nối với những cống hiến nổi bật trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và sau này là Chủ tịch HĐBT - Thủ tướng đầu tiên của nước ta thời kỳ Đổi mới. Ở vào giai đoạn đất nước gặp vô vàn khó khăn về kinh tế - xã hội này, người chiến sĩ cách mạng Phạm Hùng vẫn luôn hoạt động không biết mệt mỏi, để lại dấu ấn sâu đậm về tài năng và tinh thần trách nhiệm. Có thể nói, từ khi 16 tuổi cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng hưởng thọ 76 tuổi (sau một cơn đau tim trên đường đi công tác), 60 năm cuộc đời ông dành cho cách mạng, đã lao động, chiến đấu không ngừng đúng như tinh thần ông đã nói: "Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu".

Dù đã đi xa, nhưng đồng chí, đồng bào vẫn luôn nhớ tới ông với hình ảnh về người lãnh đạo gần gũi với nhân dân, ngay trong lễ nhậm chức Chủ tịch HĐBT, ông đã nhấn mạnh về bài học lấy dân làm gốc và tinh thần đổi mới tư duy, phong cách làm việc như thể một lời thề trước Đảng, trước dân, như là lời tâm niệm trong cuộc đời cách mạng vinh quang của ông… Để ghi nhận những cống hiến của ông đối với Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng ông Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Nhưng có lẽ cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng còn một danh hiệu cao quý khác, đó là danh hiệu trong lòng nhân dân mà phần nào đó được thể hiện cô đọng qua câu đối của giáo sư Vũ Khiêu: "Mấy độ gian lao: Ngục tù thử sức, binh lửa thi gan, những nguyện hy sinh vì Tổ quốc.

Xiết bao tâm huyết: Kháng chiến soi đường, hòa bình mở lối, trở thành bất tử giữa nhân dân".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tấm gương kiên trung, bất khuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.