Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Tuổi Thơ (xã Duy Minh) tạm dừng hoạt động, không nhận trẻ từ ngày 10-8-2019 để giải quyết sự việc, đồng thời báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sáng 12-8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết, Sở đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên; Trường Mầm non xã Duy Minh; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Tuổi Thơ xã Duy Minh quan tâm, cùng gia đình tập trung điều trị, chăm sóc sức khỏe cho các trẻ bị bỏng.
Sở cũng yêu cầu nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Tuổi Thơ tạm dừng hoạt động, không nhận trẻ từ ngày 10-8-2019 để giải quyết sự việc, đồng thời báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam cho biết, việc tổ chức lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong các hoạt động hằng ngày, nhằm giúp trẻ có kỹ năng biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm, là một nội dung trong Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (chỉ số 25), trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành (Đối với trẻ Nhà trẻ: Mục 3.1. Biết tránh một số vật dụng, nơi nguy hiểm như: Bếp đang đun, phích nước nóng, xô nước, giếng khi được nhắc nhở. Đối với trẻ Mẫu giáo: Mục 4.1. Biết gọi người lớn khi gặp trường hợp khẩn cấp: Cháy, có bạn/người rơi xuống nước...).
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Với sự việc xảy ra nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên khẳng định không chỉ đạo các cơ sở giáo dục và mầm non thực hiện việc rèn kỹ năng sống cho trẻ như cách các cô giáo ở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Tuổi Thơ.
Như đã đưa tin, vào khoảng 15h40 ngày 9-8, tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục Tuổi Thơ có 15 trẻ và 2 cô giáo đang tổ chức lồng ghép hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Trong đó, cô Nguyễn Thị Khoát là chủ cơ sở và cô Đặng Thị Nết là giáo viên có trình độ Cao đẳng Giáo dục mầm non (2 cô giáo này đều đã được tập huấn và có chứng nhận tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy do Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Hà Nam cấp).
Trong khi tổ chức hoạt động, cô giáo đã dùng cồn đổ vào mâm và châm lửa vào giấy đốt, tạo ra ngọn lửa để giáo dục trẻ biết kêu cứu và thoát khỏi nơi nguy hiểm. Sau đó ngọn lửa cồn trong mâm đã bay vào trẻ và gây bỏng cho 4 trẻ.
Tại thời điểm đó, 2 cô giáo đã lấy khăn ướt để dập lửa cho trẻ và dập tắt ngọn lửa trong mâm, sau đó bế trẻ ra ngoài và sơ tán tất cả các cháu trong lớp ra khỏi phòng. Riêng cháu Nguyễn Thị Thu Trang bị bỏng nhẹ, các cô đã sơ cứu và gia đình đã đến đón về nhà.
Còn 3 trẻ là Anh Thư (sinh năm 2016), Gia Khánh (sinh năm 2015) và Hà Lê (sinh năm 2014) bị bỏng nặng, được gia đình và chủ nhóm, lớp đưa ngay đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam để điều trị. Do vết bỏng của trẻ lan rộng nên 3 trẻ đã được chuyển lên Viện Bỏng quốc gia để điều trị.
Hiện nay, gia đình chủ nhóm, lớp và gia đình các cháu vẫn đang chăm sóc các trẻ tại Viện Bỏng quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.