(HNM) - Có tiếng giàu có nhất, nhì huyện Đan Phượng, xã Liên Trung được nhiều người biết đến với nghề sản xuất, chế biến lâm sản phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh niềm tự hào về sự phát đạt, thì nơi đây đang rất bức bách về mặt bằng sản xuất.
Mặt bằng sản xuất chật hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của người dân xã Liên Trung. |
Nằm ven sông Hồng, xã Liên Trung có hai thôn: Trung và Hạ, đều làm nghề chế biến lâm sản và đã được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Nhờ nghề gỗ, Liên Trung ngày càng trù phú và khái niệm "tỷ phú", "đại gia" ở đây rất bình thường. Ông Vũ Đình Tâm, một hộ chế biến lâm sản ở xã cho biết, nghề này xuất hiện ở địa phương chừng 30 năm nay. Do bình quân ruộng đất sản xuất nông nghiệp thấp, người dân Liên Trung đã tận dụng lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang", nhạy bén chuyển hướng sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ...
Nhớ lại những ngày sơ khai của nghề, ông Tâm cho biết, các hộ thu mua gỗ từ Tuyên Quang, Yên Bái... xuôi theo sông Hồng về xã chế biến. Các xưởng sản xuất khi đó cũng nhỏ lẻ, thô sơ, không có máy móc hiện đại như bây giờ. Qua thời gian, cùng sự hỗ trợ của công nghệ, máy móc và nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên làng nghề lại càng có cơ hội phát triển mạnh. Đến nay, nguyên liệu sản xuất đa số là gỗ nhập khẩu, chỉ có số ít hộ chế biến gỗ từ rừng trồng trong nước. Nhiều hộ đã tự tin đầu tư từ vài tỷ đến chục tỷ đồng vào sản xuất. Nhờ nghề, ở Liên Trung nhà cửa khang trang, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, thông thoáng. Lớp tỷ phú trẻ (từ 30 đến 45 tuổi) ở đây không hiếm.
Theo Chủ tịch UBND xã Liên Trung Hoàng Văn Hanh, hiện cơ cấu kinh tế của địa phương, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại chiếm 90% và chỉ còn 10% là nông nghiệp. Toàn xã hiện có 206 doanh nghiệp vừa và nhỏ; gần 400 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động quanh vùng. Ước tính, mỗi năm làng nghề ở Liên Trung mang lại giá trị kinh tế khoảng 1.000 tỷ đồng. “Các doanh nghiệp đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế mỗi năm từ 15 đến 18 tỷ đồng; đồng thời, họ còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới ngày một khang trang” - ông Hanh cho biết.
Do đặc thù nghề chế biến lâm sản rất cần mặt bằng rộng, thế nhưng đa số các hộ ở Liên Trung đều phải tận dụng khoảng sân, vườn của gia đình để mở xưởng sản xuất nên vấn đề môi trường sống không bảo đảm luôn là nỗi lo canh cánh của người dân nơi đây. Từ năm 2012, một số hộ sản xuất đã được bố trí vào cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề của xã. Tuy nhiên, với diện tích nhỏ (3,3ha) chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu mặt bằng của các hộ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải đi thuê mặt bằng ở các xã lân cận nhưng cũng không đáp ứng nhu cầu. Một số cơ sở sản xuất vẫn phải hoạt động trong khu dân cư khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi bụi gỗ, chất thải, tiếng ồn... Bí bách mặt bằng khiến nhiều hộ buộc phải lấn chiếm lòng đường, cơ đê, mái đê để tập kết nguyên liệu.
“Năm nào chúng tôi cũng phải ra quân vài lần để giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đê, nhưng rất khó vì chỉ một thời gian các hộ lại tiếp tục vi phạm. Lực lượng chức năng có hạn và người dân biết sai nhưng vẫn liều vi phạm và sẵn sàng chịu phạt do thiếu mặt bằng sản xuất” - ông Hanh cho biết. Bên cạnh đó, cũng do cần mặt bằng và lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý trước đây, một số hộ lấn chiếm đất công hoặc chuyển đổi trái phép đất nông nghiệp để làm nhà xưởng. Mới đây, UBND xã Liên Trung đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 40 trường hợp làm nhà, lán xưởng trái phép trên đất công và đất nông nghiệp...
Theo thống kê của UBND xã Liên Trung, hiện toàn xã có hơn 300 hộ đang rất cần mặt bằng sản xuất. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con làm nghề, Liên Trung đang triển khai các bước để mở rộng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã thêm 14,2ha, dự kiến chỉ đủ mặt bằng cho 146 hộ, số hộ còn lại (hơn 150 hộ) chưa thể sắp xếp. Người dân làng nghề rất mong được các cấp chính quyền quan tâm quy hoạch mở rộng điểm sản xuất tập trung ở những vùng đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phát triển của địa phương. Như vậy, "tấm áo chật" mà Liên Trung đang mặc sẽ được thay thế bằng "áo mới" phù hợp với sự lớn mạnh của đất nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.