Không chỉ nổi tiếng bởi sự giàu có xa hoa với những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) còn thu hút du khách bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư. Trong đó, nghề thêu Talli cùng với những sản phẩm tinh tế, độc đáo là điều mà hầu hết du khách muốn tìm hiểu mỗi khi tới UAE.
Nghệ thuật thêu Talli ở UAE được truyền từ đời này qua đời khác. Không ai có thể chắc chắn rằng Talli xuất hiện từ thời điểm nào, chỉ biết được rằng vào thời kỳ Con đường tơ lụa còn sôi động, Talli đã là một nghề thủ công nổi tiếng gắn với nền văn hóa UAE.
Bắt nguồn từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Talli có nghĩa là “sợi chỉ sáng”. Để làm Talli, các nghệ nhân phải khéo léo tết 6 sợi chỉ bông kèm theo một sợi vàng hoặc bạc để tạo nên một dải ruy băng nhiều màu sắc lấp lánh. Có hơn 40 kiểu dáng ruy băng khác nhau với tên gọi riêng. Những dải ruy băng sau khi hoàn thiện sẽ được kết với nhau để trang trí cổ áo, tay áo, gấu quần hoặc đường viền trang phục. Trong quá trình tết Talli, một chiếc gối hình trụ có tên gọi “Mousadah” đặt trên giá đỡ có thể xoay tròn sẽ được sử dụng để làm điểm tựa và cuộn lại các dải ruy băng. Tùy thuộc độ phức tạp và tinh tế của mẫu Talli, mỗi nghệ nhân sẽ cần từ 8 đến 50 cuộn chỉ bông nhiều màu sắc và chất liệu khác nhau. Thời gian để hoàn thành một mét ruy băng Talli có thể lên đến vài tuần, thậm chí vài tháng đối với thiết kế phức tạp. Ngay cả dạng đơn giản nhất cũng cần tới 3 giờ để bện 1 mét.
Trước đây, Talli truyền thống thường sử dụng sợi bạc hoặc vàng thật nhằm tạo ra phần trung tâm nổi bật cho hoa văn. Ngày nay, sợi bạc và vàng thật được thay thế bằng sợi kim tuyến. Bên cạnh màu vàng, bạc, các màu phổ biến của Talli là đen, trắng, đỏ và xanh lá cây.
Là một nghề thủ công tốn nhiều thời gian, Talli thường được truyền lại từ mẹ sang con gái. Chia sẻ về công việc này, nghệ nhân Al Naqbi, hiện sống tại Sharjah, cho biết: “Tôi bắt đầu học làm Talli từ năm 9 tuổi, đến nay đã gần 70. Mẫu yêu thích của tôi là màu đỏ và trắng được kết từ Talli Bu-Khousa (sợi đơn). Thường thì một ngày tôi chỉ tết được 1 mét ruy băng Talli, tức khoảng 2 vòng quay Mousadah. Sợi Talli dài nhất tôi làm là 50 mét, mất tới 2 tháng. Với rất nhiều phụ nữ UAE, Talli là một công việc có nhiều ý nghĩa, không chỉ giúp trang trí quần áo mà còn như truyền tình cảm, tâm hồn vào những sản phẩm mà bạn làm ra. Bạn sẽ cảm thấy có sự kết nối với những trang phục do chính tay mình trang trí, đặc biệt là áo cưới, lễ phục...”.
Để bảo tồn nghề thủ công truyền thống này, nhiều năm qua, ngoài việc truyền dạy trong gia đình, chính quyền các địa phương UAE khuyến khích tổ chức các khóa đào tạo trong trường trung học, đại học và các trung tâm phát triển di sản. Những lớp trải nghiệm cho học sinh được tổ chức ở nhiều địa phương. Theo Trung tâm Thủ công mỹ nghệ truyền thống Turath, bộ phận giáo dục của Bảo tàng Al Shindagha, Um Obeid, mục tiêu của họ là phổ biến những kỹ năng này trong thế giới hiện đại. Tại nhiều lễ hội, các cuộc thi làm Talli đã được tổ chức và những nghệ nhân có sản phẩm đẹp sẽ được vinh danh. Các hội phụ nữ cũng thường xuyên tổ chức diễn đàn, các buổi gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện dân gian liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể của đất nước. Ngày nay, Talli không chỉ xuất hiện trên trang phục truyền thống mà còn được dùng để trang trí những bộ quần áo hiện đại và phụ kiện như túi xách, thắt lưng, đồ trang sức…
Năm 2022, Talli đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà Latifa bint Mohammed Al Maktoum, Chủ tịch Cơ quan Văn hóa và Nghệ thuật tại Dubai cho rằng, việc UNESCO công nhận Talli là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa lớn, cho thấy nỗ lực của UAE trong việc quảng bá nét văn hóa đặc sắc của vùng lãnh thổ. UAE tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dựa trên cách tiếp cận vững chắc để bảo vệ di sản văn hóa dưới mọi hình thức, vẽ nên một bức tranh toàn diện về bản sắc văn hóa độc đáo và phong phú của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.