Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tai ương đã được cảnh báo

Vân Khanh| 31/10/2011 06:20

(HNM) - Thủ đô Bangkok vừa tạm qua được thời điểm hiểm nghèo nhất khi lượng nước từ phía Bắc đổ về ít hơn dự tính, dòng Chao Phraya kém hung hãn hơn, dù nước lũ vẫn đang tràn vào những quận ven sông.

Trong kỳ nghỉ cuối tuần, người đứng đầu cuộc chiến chống cơn lũ lịch sử - Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra - đã đưa ra nhận định lạc quan rằng lũ lụt ở Bangkok dù loang rộng nhưng sẽ bắt đầu rút dần trong tuần này. Theo nhiều dự báo, tình hình Bangkok trong 48 giờ tới sẽ khả quan hơn.

Nhiều đại lộ ở thủ đô Bangkok của Thái Lan đã biến thành sông.


Mặc dù vậy, hàng chục nghìn người vẫn hối hả rời thủ đô để tránh lũ. Hầu hết các trạm xe buýt và xe lửa đều chật cứng người. Các con đường dẫn tới những vùng đất cao hơn ở miền Nam luôn tắc nghẽn giữa lúc người dân tìm mọi cách để ra khỏi thành phố ngập nước. Trái với cảnh vội vã chạy lũ là hình ảnh vắng lặng tại những trung tâm thương mại vốn cực kỳ sôi động của Bangkok. Mối lo trung tâm "thành phố thiên thần" sẽ bị cơn lũ tồi tệ nhất từ năm 1942 tấn công chưa thể loại bỏ.

Mỗi đợt triều cường làm dòng nước lũ đang tìm đường ra biển thêm một lần bị chặn lại cũng là một lần Bangkok nín thở lo âu. Cho dù tốc độ dòng lũ đã bớt hung dữ, nhưng lượng nước quá lớn không thoát kịp lại làm thêm nhiều khu vực của thành phố 12 triệu dân này vào vùng ngập nước. Theo Trung tâm Chiến dịch giảm nhẹ lũ lụt (FROC), nước lũ vẫn đổ về Bangkok từ phía Bắc, phía Đông và phía Tây. Phần lớn quận Bang Phlat đã ngập chìm trong nước, còn các quận Huai Kwang, Bang Khen, Wang Thong Lang, Lat Phrao và Chatujak đã nhận được lệnh chuẩn bị sơ tán do nước lũ đang dâng cao. Tình hình không mấy khả quan khi Đại Cung điện nổi tiếng của Hoàng gia bên dòng sông Chao Phraya đã bị con nước khuất phục. Nhiều khu du lịch, địa chỉ văn hóa, điểm vui chơi công cộng của Bangkok cũng đã chìm trong cơn hồng thủy...

Tuần qua, sân bay quốc tế Don Muang rộng lớn ở Bangkok đã trở thành một đại dương mênh mông. FROC từng đóng đại bản doanh tại đây, nay phải chuyển hẳn đến đường Vibhavadi-Rangsit hiện vẫn còn khô ráo. Nhiều kế hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ thoát nước để cứu Bangkok đang được cân nhắc. Nhà chức trách Bangkok đã cho phá một đoạn đường cao tốc ở phía Bắc để xả lũ cứu thủ đô. Cùng với đó, cuộc phá dỡ những ngôi nhà lấn chiếm kênh, chặn dòng thoát của nước lũ và việc nạo vét thêm kênh rạch đang diễn ra khẩn trương...

Tuy nhiên, sức lực của con người là có giới hạn và khó có thể chặn đứng ngay cơn hồng thủy. Cho đến thời điểm này, nội các của Thủ tướng Yingluck đã nhiều lần bị chỉ trích do không đánh giá đúng và đưa ra các biện pháp kịp thời đối phó với tình hình lũ lụt. Thế nhưng, nếu nhìn vào quá trình phát triển của Bangkok nhiều thập kỷ qua với phần lớn kênh rạch bị san lấp, nhiều khu rừng bị phá để nhường chỗ cho cao ốc, nhà máy… thì hoàn toàn có thể hiểu được rằng những gì đang diễn ra hôm nay không phải lỗi của chỉ nội các đương nhiệm. Khi người dân Bangkok ngỡ ngàng chứng kiến sự càn lướt của trận lũ tồi tệ thì nhiều nhà khoa học không tỏ ra ngạc nhiên vì trước đó đã xuất hiện những cảnh báo rằng thành phố được mệnh danh là "Venice của phương Đông" có thể đối mặt với tai ương khi việc khai thác nước ngầm đã khiến Bangkok ngày càng lún thấp hơn. Trong khi đó, nơi này đã được gọi tên là một trong những vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng do sự ấm lên của Trái đất...

Không cần bảo vệ Hoàng cung mà tập trung lo cho hàng triệu người dân Bangkok đang điêu đứng do nước lũ là thông điệp sẻ chia đáng kính từ Quốc vương Bhumibol Adulyadej với người dân Thái Lan. Không chỉ Quốc vương, người dân mà cả Chính phủ xứ Chùa Vàng đều đang hồi hộp mong đợi cơn thịnh nộ của thiên nhiên sẽ lắng dịu trong 48 giờ tới để thành phố 240 năm tuổi trụ vững; giúp nền kinh tế thứ hai Đông Nam Á sớm khởi động lộ trình tái thiết mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tai ương đã được cảnh báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.