Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái sử dụng nguồn nước thải

Thanh Hải| 18/02/2017 08:11

(HNM) - Trong bối cảnh các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ thì việc tái sử dụng nguồn nước thải là rất cần thiết, góp phần giảm ngập úng, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt...


Xử lý nước thải tại Nhà máy Xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (huyện Hoài Đức). Ảnh: Nhật Nam


Nước thải chưa được xử lý

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có gần 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất xử lý đạt 890.000m3/ngày (chiếm 12-13%). Hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận.

Thêm vào đó, hiện nay tốc độ đô thị hóa nhanh, việc phát triển kinh tế "nóng" đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Tình trạng ngập úng tại Hà Nội mỗi khi mưa lớn vẫn diễn ra phổ biến. Trên sông Nhuệ, Đáy, chất lượng nước trong nhiều năm (2010-2015) hầu hết chỉ đạt mức trung bình và kém.

Theo cảnh báo của Trung tâm Quan trắc môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nước trên các đoạn sông Nhuệ và sông Đáy đang cung cấp cho các nhà máy nước sạch đều không có chất lượng phù hợp, cần có các biện pháp xử lý chất lượng nước tốt hơn nữa để phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt. Ô nhiễm nguồn nước ở đây chủ yếu do nước thải sinh hoạt.

Đánh giá về thực trạng này, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cho biết, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày; 615 cụm công nghiệp, nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế...

Khuyến khích tái sử dụng nước mưa

Rõ ràng, áp lực từ phát triển kinh tế đã đè nặng lên vấn đề môi trường đòi hỏi phải đưa công nghệ mới vào kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát nguồn nước và tái sử dụng phục vụ cho phát triển. Nghị định 80/2014/CP của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải khuyến khích việc tái sử dụng nước mưa phục vụ các nhu cầu, góp phần giảm ngập úng, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt. Các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, công nghệ xử lý và tái sử dụng nước mưa được hỗ trợ vay vốn ưu đãi.

Đi đầu trong công tác này, Hà Nội đã có nhiều cách làm hay. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp làng nghề và lựa chọn một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp.

Bên cạnh việc ưu tiên ngân sách cho sự nghiệp môi trường, Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường. Ví dụ như Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền (Công ty Phú Điền) bỏ vốn đầu tư công trình xử lý nước thải (XLNT) làng nghề. Công ty đã đầu tư xây dựng dự án Nhà máy XLNT làng nghề Cầu Ngà để XLNT cho 3 làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế của huyện Hoài Đức, sử dụng 100% vốn của doanh nghiệp, tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, với diện tích gần 9.400m2. Đây cũng là công trình XLNT làng nghề quy mô lớn đầu tiên của Hà Nội áp dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, tận dụng bề mặt các bể xử lý sinh học để lắp đặt thiết bị pin năng lượng mặt trời phát điện công suất 200KW/ngày, cung cấp toàn bộ điện năng cho nhà máy.

Theo ông Nguyễn Phương Quý, Tổng Giám đốc Công ty Phú Điền, sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình bảo vệ môi trường nói chung và công tác XLNT là rất cần thiết. Nhưng, điều cốt lõi nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân, sự tuyên truyền vận động nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác này của cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái sử dụng nguồn nước thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.