Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại sao công viên Chi Lăng còn có tên gọi là vườn hoa Canh Nông ?

THANHCHUNG| 16/08/2004 10:33

Người dân Thủ đô khi đi qua đoạn đường Điện Biên Phủ đều biết tới công viên Chi Lăng với bức tượng đài Lê Nin sừng sững. Tồn tại hơn 1 thế kỷ, công viên Chi Lăng từ lâu đã gắn bó với người dân Thủ đô và trở thành một cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng của người Hà Thành. Nhưng không phải ai sống ở Hà Nội cũng biết được rằng, trước kia công viên này còn có một tên gọi khác là vườn hoa Canh Nông.

Người dân Thủ đô khi đi qua đoạn đường Điện Biên Phủ đều biết tới công viên Chi Lăng với bức tượng đài Lê Nin sừng sững. Tồn tại hơn 1 thế kỷ, công viên Chi Lăng từ lâu đã gắn bó với người dân Thủ đô và trở thành một cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng của người Hà Thành. Nhưng không phải ai sống ở Hà Nội cũng biết được rằng, trước kia công viên này còn có một tên gọi khác là vườn hoa Canh Nông.


Cái tên vườn hoa Canh Nông giờ chỉ còn trong tâm trí của những cao tuổi và những người sống gắn bó với đất Hà Thành từ nhiều đời. Thế hệ trẻ và những người nhập cư tới Hà Nội chẳng mấy ai biết được cái tên này cũng như nguồn gốc của nó. Giờ đây, tên gọi công viên Chi Lăng đã trở thành cái tên quen thuộc của nhiều người Hà Nội.


Công viên Chi Lăng nằm ở một vị trí khá rộng và đẹp, giữa ba đường: Trần Phú, Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ. Ba mặt của công viên đều quay ra các con đường lớn mà người dân thường xuyên qua lại. Chính vì vậy, công viên Chi Lăng luôn là địa điểm thân thuộc của người Hà Nội. Công viên xinh xắn này bây giờ mang tên một chiến thắng thời giặc Minh xâm lược (1427).


Trước kia, công viên Chi Lăng nguyên là một cái hồ trong thành Hà Nội, còn đường Trần Phú là tường thành phía Nam. Hồ này là nơi quân lính thường tắm voi nên gọi là hồ Voi. Thời Pháp thuộc, sau khi phá thành Hà Nội (1894 - 1897), thực dân Pháp bắt đầu quy hoạch lại TP Hà Nội. Quân Pháp cho lấp hồ Voi để xây dựng công viên và đặt tên là công viên Robin.


Bấy giờ, thực dân Pháp cho đặt ở góc công viên phía đường Hoàng Diệu có một cụm tượng gồm hai lính Pháp. Một tên giương súng chĩa vào cột cờ, một tên vung tay ném lựu đạn. Bốn mặt xung quanh bệ là bốn tầng lớp dân bản xứ: sĩ, nông, công, thương. Do mặt trước của bệ là tượng người nông dân vác cày, dắt trâu nên người ta quen gọi là vườn hoa Canh Nông.


Một thời gian dài, người dân Hà Nội thời đó quen gọi công viên này là vườn hoa Canh nông thay cho tên gọi Robin mà thực dân Pháp đặt cho.


Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Hà Nội đã phá cụm tượng này và vẫn giữ nguyên cảnh quan công viên. Tới năm 1982, để tỏ lòng kính trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định xây dựng tượng Lê Nin. Ngày 20/8/1985, bức tượng Lê Nin bằng đồng cao 5,2 m hoàn thành và được đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7 m, quay mặt ra đường Điện Biên Phủ.


Giờ đây, công viên Chi Lăng được quy hoạch gọn gàng, xinh xắn với nhiều cây xanh toả bóng. Nơi đây đã trở thành điểm đến không chỉ của người dân Hà Nội mà cả những người ngoại tỉnh cũng thường xuyên ghé thăm để thư giãn, nghỉ ngơi.


Lệ Quyên
(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao công viên Chi Lăng còn có tên gọi là vườn hoa Canh Nông ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.