Xã hội

Tài sản là vật chứng để lâu, mất giá trị gây lãng phí

Đình Hiệp 30/10/2024 - 13:22

Có những tài sản là vật chứng để lâu quá, mất giá trị, coi như bỏ đi. Trong khi đó, thanh lý không thanh lý được, hủy không được, phải giữ rất lãng phí.

hn-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ Hà Nội sáng 30-10. Ảnh: Đình Hiệp

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 30-10, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Nhiều vật chứng là tài sản không thanh lý hay hủy được

Thảo luận tại tổ về Dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết. Công an thành phố Hà Nội đang hằng ngày, hằng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng từ nhiều năm nay gây lãng phí.

hai-trung.jpg
Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Đại biểu Nguyễn Hải Trung phân tích, lãng phí thứ nhất là lãng phí chính giá trị tài sản của vật chứng. Có những tài sản để lâu quá, mất giá trị, chủ phương tiện không thèm để ý đến, coi như bỏ đi. Trong khi đó, thanh lý không thanh lý được, hủy không được, phải giữ rất lãng phí.

Lãng phí thứ hai là phải có kho vật chứng lớn. Công an thành phố phải có kho vật chứng chung, các quận, huyện phải có kho vật chứng của cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Vậy lấy đâu ra đất để xây dựng kho vật chứng theo quy chuẩn? Hơn nữa, trong chương trình cải cách tư pháp, thành phố phải có kho vật chứng cả về hình sự, dân sự nhưng chưa có kho hoặc có nhưng không đáp ứng về diện tích, tiêu chuẩn.

Lãng phí thứ ba là phải bố trí người trông coi kho vật chứng. Theo quy định, việc quản lý trông coi là công an, xử lý tài sản lại là tòa án. “Mới đây, chúng tôi đã nhận mấy chục tấn đất hiếm trong một vụ án nhưng phải xây nhà tạm để lưu giữ. Dù là nhà tạm nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát mất mát. Trong khi đó để trông coi không chỉ 1, 2 người. Nếu đối chiếu với quy định mới nhất, đây là vấn đề rất vướng mắc, rất bất cập, rất khó khăn, bức xúc”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.

Từ phân tích trên, Trung tướng Nguyễn Hải Trung khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự là rất cần thiết. Tuy vậy, theo tờ trình và dự thảo Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết còn quá hẹp, chỉ áp dụng với một số vụ án của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên chưa mang tính đại diện.

“Theo tôi, sau khi triển khai thí điểm Nghị quyết phải tính toán mở rộng phạm vi điều chỉnh thậm chí phải ban hành luật. Hơn nữa, thời gian thí điểm 3 năm quá lâu, đã coi là điểm nghẽn thì phải khẩn trương giải quyết, tháo gỡ theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và Quốc hội”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

ong-chinh.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Cùng thảo luận về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) nhận định, Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự nên được ban hành sớm hơn, bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại.

Theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên, tài sản. Song, cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là Tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1-2 năm gây hư hỏng vật chứng…

Đóng góp ý kiến để Nghị quyết hoàn thiện hơn, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, nếu chỉ thí điểm trong các vụ án tham nhũng thì chưa đầy đủ. Do vậy, không nên chỉ giới hạn ở tội phạm tham nhũng mà nên ở tất cả các vụ án, đặc biệt là ở chương tội phạm về sở hữu.

ong-tri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), thời gian qua, có trường hợp Giám đốc Bệnh viện bị bắt giam, máy móc, thiết bị liên quan gần như bị đóng băng, song nhu cầu cần dùng lớn. “Tôi đã chứng kiến nhiều bãi gỗ lớn là tang vật vụ án bị mục nát, nhiều phương tiện vi phạm bị thu giữ, máy móc bị thu giữ bị hư hỏng nặng”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự là cấp thiết, nhưng vấn đề làm sao tổ chức thực hiện cho tốt.

Bảo đảm hoạt động đấu thầu công khai, minh bạch

ta-dinh-thi.jpg
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao các nội dung trong dự thảo “một luật sửa bốn luật” được Chính phủ trình Quốc hội lần này. Trong đó, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

“Tôi cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ cấp nào phê duyệt thì cấp đó được phép điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch và yêu cầu phát triển thực tiễn. Đồng thời, cần giao trách nhiệm cho cấp có thẩm quyền trong việc điều chỉnh quy hoạch, ví dụ quy hoạch cấp tỉnh giao cho UBND tỉnh” - đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, hiện nay, việc phát triển kinh tế biển rất có ý nghĩa đối với các địa phương có biển. Tuy nhiên, trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư chỉ mới đề cập các dự án kinh tế biển mà không quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của đơn vị nào, ví dụ các dự án điện gió ngoài khơi. Vì thế, dự thảo Luật cần quy định rõ các nội dung trên để tạo thuận lợi cho các địa phương có biển phát triển kinh tế biển.

phi-thuong.jpg
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Về những nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng đến mục tiêu lâu dài.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 liên quan đến nội dung nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch, đại biểu đề xuất bổ sung thêm điều khoản chuyển tiếp để giải quyết những trường hợp đang thực hiện dở dang phải thanh quyết toán nội dung “đối với trường hợp đã bố trí nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch và đã thanh toán trước thời điểm Luật có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn đã bố trí mà không cần phải điều chỉnh”.

Liên quan đến Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, đến lúc phải xem xét, sửa đổi một cách tổng thể để hoạt động đấu thầu bảo đảm hiệu quả, công bằng giữa yếu tố giá và chất lượng. Nêu thực trạng thời gian qua còn nhiều bất cập trong đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật cần hướng đến thực chất, để việc đấu thầu không mang tính hình thức.

“Tôi đề xuất bổ sung quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công cũng như các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên được áp dụng như đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công", đại biểu Nguyễn Phi Thường kiến nghị.

binh.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Mai Lý

Liên quan đến Luật Đấu thầu, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) quan tâm đến nội dung mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc, bệnh viện công lập ở Việt Nam. Theo đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có quy trình giám sát chặt chẽ nhằm tránh trường hợp lạm dụng và bảo đảm sự công khai minh bạch.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung quy định làm rõ vai trò của Bộ Y tế trong giám sát việc áp dụng mua sắm trực tiếp, nhiều lần đối với thuốc tránh xáo trộn nguồn cung và bảo đảm kinh tế” - đại biểu kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài sản là vật chứng để lâu, mất giá trị gây lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.