(HNMO) - Chiều 17-5, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21-6-2017 với 10 chương, 134 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Luật quy định đầy đủ các nội dung về quản lý nhà nước với tài sản công; chi tiết quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản thông tin tại buổi họp báo. |
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản-Bộ Tài chính, để hướng dẫn thi hành Luật, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 12 văn bản (11 nghị định của Chính phủ và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Nội dung của các văn bản trên tập trung vào việc sử dụng tài sản công, trong đó có quy định về mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phương thức tập trung.
Ông Thịnh nhấn mạnh, việc mua sắm tài sản công phải được kiểm soát ngay từ đầu, bởi nếu để vượt quá sẽ rất khó xử lý. “Giá ô tô vượt 90 triệu đồng thì không thể tháo 4 bánh ra để khắc phục được”, ông Thịnh ví von cho việc nếu mua sắm tài sản công quá mức quy định.
Bên cạnh đó, cần quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó bổ sung thêm nhóm đối tượng là công ty cổ phần có phần vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ phải rà soát sắp xếp lại nhà đất; quy định về khai thác kết cấu hạ tầng thủy lợi và giao thông; trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (hàng tịch thu, tài sản không xác định chủ sở hữu)…
Tại cuộc họp, vấn đề quà biếu, tặng là xe ô tô; quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô được nhiều phóng viên quan tâm.
Trả lời câu hỏi về việc chậm ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định này. Ô tô là phương tiện đi lại, là cơ sở vật chất mà công chức nhà nước sử dụng để thực hiện công vụ được giao. “Đây là vấn đề quan trọng nên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính thừa quyền xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành”, ông Thịnh nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến tài sản biếu, tặng của doanh nghiệp, đặc biệt là ô tô có giá trị lớn gây xôn xao dư luận thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho hay, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó lưu ý không tiếp nhận tài sản của doanh nghiệp là xe ô tô có giá trị lớn.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật, trong trường hợp tiếp nhận tài sản của tổ chức, cá nhân, với tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân nói chung và quà biếu, tặng nói riêng, trước khi giao đơn vị nào đó sử dụng phải thành lập hội đồng định giá để định giá tài sản đó sát với giá thị trường, nhằm tránh các đơn vị nhận tài sản có giá trị vượt xa so với tiêu chuẩn định mức.
Với câu hỏi về số tiền thu từ sử dụng đất, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, cơ chế tài chính thu từ đất đai có nhiều loại như: Thu tiền sử dụng đất, thuê đất; các loại thuế, phí liên quan đến đất đai, trong đó khoản thu lớn nhất là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.
Năm 2017, tiền sử dụng đất thu được xấp xỉ 127 nghìn tỷ đồng, tiền thuê đất là 27 nghìn tỷ đồng. “Xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm và tăng với tỷ trọng khá cao”, ông Thịnh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.