Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tai nạn lao động luôn rình rập

Duy Biên| 31/03/2012 07:57

(HNM) - TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương có số người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất nước, trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm tới 64% số vụ. Mặc dù vậy, ý thức về an toàn lao động của chủ sử dụng lao động lẫn người lao động vẫn bị xem nhẹ, kể cả các cơ quan chức năng cũng chưa thấy hết tầm quan trọng của vấn đề này…


"Tử thần" rình rập

Quan sát công trình xây dựng tại số nhà 177 đường Nguyễn Duy Dương (quận 5), chúng tôi nhận thấy có 4 công nhân đang thi công trên cao nhưng không ai có thiết bị bảo hộ an toàn, thậm chí có người còn mặc quần cộc, chân đất. Nhìn cảnh họ không đeo dây bảo hiểm, ra đứng sát mép giàn giáo để nhận vật liệu từ phía dưới chuyển lên bằng máy tời thủ công mà thấy rùng mình.


Xây dựng là lĩnh vực dễ xảy ra tai nạn lao động.

Trên tầng 8 công trình xây dựng số nhà 186 đường Điện Biên Phủ (quận 3) cũng có khá nhiều công nhân đứng vắt vẻo đóng cốp-pha nhưng không đeo dây an toàn, không giày, không mũ, cũng không có cả quần áo bảo hộ lao động. Tại đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), công trình thi công đường cống thoát nước chiếm gần hết diện tích mặt đường nhưng không che chắn, lộ ra những chiếc hố sâu rất nguy hiểm, cánh công nhân thì xoay trần ra dưới cái nóng bức của mùa khô để uốn thép và đóng cọc móng…

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về tình trạng mất an toàn lao động ở nhiều công trình đang thi công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Chính sự coi thường, thiếu ý thức của người lao động cộng với thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của chủ sử dụng lao động là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.

Chưa coi trọng phòng ngừa

Thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2011 trên địa bàn TP xảy ra 1.056 vụ TNLĐ, làm chết 82 người và 998 người bị thương. Riêng trong hơn 2 tháng đầu năm nay đã có tới hơn 100 vụ, hàng chục người tử vong. Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở cho biết, thực tế thanh tra các vụ TNLĐ, có tới 80% doanh nghiệp không kiểm tra điều kiện lao động của đơn vị mình. Phần lớn các vụ tai nạn dẫn đến chết người xuất phát từ những nguyên nhân hết sức đơn giản, như công nhân sửa điện nhưng không cắt nguồn, làm việc trên cao không đội mũ bảo hiểm, không đeo dây an toàn. Đặc biệt là việc chủ đầu tư chỉ lo chạy theo tiến độ chứ không mấy quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho người lao động nên nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Mặc dù đã có quy định, những người làm việc ở nơi có nguy cơ tai nạn cao phải được huấn luyện an toàn và cấp thẻ an toàn lao động, nhưng ở nhiều công trình xây dựng cao tầng, khi thanh tra an toàn lao động vào kiểm tra đã phát hiện nhiều lao động không có thẻ an toàn. Phần lớn lao động thời vụ do thiếu đào tạo cơ bản, thiếu kiến thức nên không thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình làm việc an toàn.

TP Hồ Chí Minh hiện có hàng nghìn công trình xây dựng đang thi công, ngoài ra còn có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với trên 141.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng 2,8 triệu lao động. Bởi vậy, nếu ý thức chấp hành pháp luật về an toàn lao động của người sử dụng lao động lẫn người lao động, kể cả cơ quan quản lý, không được đặt lên hàng đầu thì nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ còn ở mức rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tai nạn lao động luôn rình rập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.