Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tai nạn giao thông đường sắt: Đâu là nguyên nhân chính?

Tuấn Lương| 12/03/2015 06:30

(HNM) - Hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng xảy ra gần đây, trong đó, vụ tai nạn mới nhất vào đêm 10-3 khiến nhiều toa tàu bị trật bánh, lái tàu tử vong, đã cho thấy những bất cập lớn từ hệ thống đường ngang giao cắt với đường sắt.



Trong khi việc cải tạo hạ tầng, xóa đường ngang dân sinh, phối hợp bảo đảm ATGT đường sắt đang gặp không ít khó khăn thì sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông càng khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng.

Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị và ngành đường sắt tập trung mọi nguồn lực khắc phục sự cố tai nạn tàu hỏa trên tuyến đường sắt Bắc - Nam xảy ra đêm 10-3. Ảnh: TTXVN


Tai nạn đến từ ý thức…

Vụ TNGT đường sắt xảy ra vào đêm 10-3 gây nên hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, tại thời điểm xảy ra tai nạn, mặc dù nơi này có đường ngang, có cảnh báo tự động nhưng do xe tải chở đất cố tình băng qua khiến cho tàu hỏa mang số hiệu SE5 chạy hướng từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh không thể tránh kịp. Cú va chạm mạnh đã làm đầu máy số D19E-968 bị bung, gãy đầu đấm, đầu máy trôi về phía nam cách vụ tai nạn 2km, 3 toa xe giáp đầu máy bị trật bánh. Trong đó có 1 toa hàng cơm và 1 toa xe chở khách bị xoay ngang, vuông góc với đường sắt, toa xe chở khách số 3 bị đổ nghiêng 60 độ. Lái tàu Lê Văn Phú (53 tuổi) đã tử vong sau tai nạn. Tài xế điều khiển xe chở đất cũng bị thương rất nặng, chấn thương cột sống và gẫy chân. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt nhiều giờ khiến một số chuyến tàu bị chậm hành trình.

Tổng Công ty VNR hiện đang quản lý 3.143km đường sắt, trong đó có 2.632km đường chính, 403km đường ga, 108km đường nhánh; đi qua 34 tỉnh, thành phố. Phần lớn các tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ và đi qua các khu đô thị, khu công nghiệp đông dân cư, điều đó kéo theo sự phát triển bùng nổ các điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ.

Trước đó, vào rạng sáng 7-3, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn qua địa phận huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang), lái xe tải mang biển kiểm soát 98C-00160 chở đất ngủ gật nên đâm đổ lan can giữa đường bộ và đường sắt. Sau đó, xe tải nằm nghiêng đổ vào phần đường sắt. Đúng lúc đó, tàu hỏa chở hàng lưu thông theo hướng Lạng Sơn - Hà Nội đi tới không kịp tránh nên đã đâm phải ô tô. Hậu quả, 5 toa tàu bị lật xuống đường, lái tàu hỏa bị gãy chân, người dân phải đưa đi cấp cứu. Tàu hỏng đầu máy, hỏng 3 toa xe hàng, 300m đường ray bị xô lệch...

Một vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng khác cũng có nguyên nhân từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông là vụ xe container va chạm với tàu hỏa tại Nam Định vào ngày 19-9-2014. Theo cơ quan chức năng, xe đầu kéo này đã cố tình băng qua đường ngang dân sinh khi đoàn tàu lao đến, vụ tai nạn xảy ra làm hai lái tàu bị thương nặng và đường sắt bị tê liệt nhiều giờ.

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ TNGT nghiêm trọng bắt nguồn từ sự chủ quan, thiếu ý thức của người tham gia giao thông trong thời gian gần đây. Hậu quả từ TNGT đường sắt luôn rất lớn, ngoài làm chết người và bị thương, việc đình trệ lưu thông trên các tuyến đường sắt quốc gia không thể đo đếm được thiệt hại về kinh tế - xã hội.

Đường tàu đoạn Cửa Nam - Trần Phú nằm giữa khu dân cư, không bảo đảm hành lang an toàn đường sắt. Ảnh: Lê Anh


… và cả các nhà quản lý

Thống kê cho thấy, trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia hiện có tới hơn 5.700 điểm giao cắt, trong đó có 1.516 đường ngang và 4.268 lối đi dân sinh. Đây chính là các điểm tiềm ẩn có nguy cơ rất cao về TNGT đường sắt. Thực hiện quy chế phối hợp trong việc bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt với đường bộ, ngành đường sắt và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc giải tỏa các đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt; hạn chế giao thông (cấm các loại xe cơ giới 4 bánh trở lên) tại các lối đi dân sinh, đường ngang tự mở trái phép; bố trí chốt gác, cảnh giới tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn cao; lập biên bản để địa phương ký cam kết tự bảo đảm ATGT... Tuy nhiên, vấn đề ATGT đường sắt vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty VNR, ngành đường sắt và các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, đơn vị, cơ quan không mở các đường dân sinh trái phép; phân rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc không để phát sinh và xử lý ngay từ ban đầu các lối đi dân sinh mở trái phép, xử lý giải tỏa giảm dần các điểm đường ngang mở trái phép. Ngay trong năm 2015 tiếp tục thực hiện công tác đền bù giải tỏa hành lang ATGT đường sắt bảo đảm tầm nhìn thông thoáng tại các đường ngang và tại những vị trí xây dựng đường gom, hàng rào để xóa đi các lối đi dân sinh trái phép vượt qua đường sắt. Sau đó thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đường sắt trên tất cả các tuyến đường sắt và bàn giao cho các địa phương quản lý.

Để thực hiện được mục tiêu này, vừa qua Tổng Công ty VNR đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm đầu tư kinh phí để tổng công ty triển khai thực hiện việc ưu tiên xây dựng đường gom, hàng rào cách ly để xóa bỏ dần các lối đi dân sinh bất hợp pháp. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan và địa phương chỉ đạo các dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có giao cắt với đường sắt phải tổ chức giao cắt lập thể. Trường hợp đặc biệt mà giao cắt bằng thì phải làm hệ thống đường gom để gom ra vị trí có nút giao sẵn có hợp pháp...

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa đề nghị các địa phương không được cấp đất dọc đường sắt nằm trong hành lang ATGT đường sắt. Việc cấp đất, cho thuê đất dọc theo hành lang ATGT đường sắt chỉ được thực hiện khi đi liền với giải pháp xây dựng hệ thống đường gom và đường ngang qua đường sắt, bảo đảm an toàn, thông suốt; sở GTVT và cơ quan quản lý đường bộ địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các đường ngang; tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty VNR tổ chức giải tỏa tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các đường ngang, đường dân sinh cắt qua đường sắt; đóng và thu hẹp các lối đi dân sinh để hạn chế các phương tiện cơ giới đường bộ đi qua…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tai nạn giao thông đường sắt: Đâu là nguyên nhân chính?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.