(HNM) - Theo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, số vụ tai nạn, người chết do tai nạn giao thông trong tháng 5 vẫn tiếp tục giảm. Tuy nhiên, so với 3 tháng đầu năm, tình hình an toàn giao thông vẫn có dấu hiệu đáng lo ngại.
Trong quý I, toàn TP xảy ra 155 vụ tai nạn giao thông, làm 132 người chết, 71 người bị thương - giảm 39,69% số vụ, giảm 39,73% số người chết, giảm 56,97% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2011. Đây là kết quả hết sức ấn tượng sau thời gian ngắn thực hiện Năm An toàn giao thông 2012. Tuy nhiên, thời điểm đó Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã cho biết, "mừng thì có mừng, nhưng vẫn lo". Lo vì vẫn còn ùn tắc, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra nhiều nơi.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Toàn, việc lắp đặt dải phân cách ở 11/23 tuyến đường thường xảy ra tai nạn hiện đã đem lại hiệu quả khá rõ. So với tháng 4-2012, trên 11 tuyến đường đã giảm 19 vụ tai nạn, 9 người chết. Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê trong tháng 5 mới thấy việc kiềm chế ùn tắc, tai nạn giao thông chưa thực sự bền vững. Riêng trong tháng 5, toàn TP đã xảy ra 61 vụ tai nạn, làm 54 người chết, 32 người bị thương. So với cùng kỳ 2011 chỉ giảm được 24,69% số vụ và 20,59% số người chết, trong khi số người bị thương tăng 6,67%. Trong quý I, có tới 21/24 quận, huyện giảm số người chết vì tai nạn, nhưng trong tháng 5 chỉ còn 10/24 quận, huyện thực hiện được điều này. Quả thực là tình hình an toàn giao thông ở TP vẫn đáng lo ngại.
Tìm rõ nguyên nhân của tình trạng trên là hết sức cần thiết. Nếu các cơ quan chức năng và các địa phương "chùng" xuống thì đâu sẽ lại vào đó. Theo Ban An toàn giao thông TP, lề đường ở TP hiện có thông nhưng chưa thoáng. Tình trạng sử dụng phương tiện thô sơ, tự chế vẫn diễn ra mạnh ở nhiều nơi, đặc biệt là tại khu vực Công viên Gia Định, đường Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Thái Sơn… Việc lấn chiếm vỉa hè buôn bán khá phổ biến tại đường Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Kiệm. Đặc biệt, tại khu vực đường An Dương Vương, Hồ Văn Huê, Lý Thái Tổ, nhiều cửa hàng buôn bán phụ tùng ô tô sử dụng lòng đường làm gara, cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao.
Chất lượng hạ tầng tại một số tuyến đường cũng có vấn đề. Đặc biệt là mặt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ cầu Thị Nghè đến vòng xoay Hàng Xanh) rất xấu nhưng chưa thể bảo dưỡng, trong khi đây là tuyến có mật độ giao thông lớn. Ở vùng ven, trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh, tình hình giao thông hết sức phức tạp do có lưu lượng lớn xe tải đi qua để "tránh" đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (vì phí cao).
Ngay từ tháng 3, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu cấm xe tải hoạt động trong khung giờ nhất định ở khu vực này để bảo đảm an toàn giao thông. Sau nhiều lần thúc giục, mới đây, các cơ quan chức năng mới có đề xuất cấm xe tải hạng nặng, xe container hoạt động trên tuyến này từ 6h đến 24h. TP cũng đã kiến nghị giảm phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để giãn bớt phương tiện sang đường cao tốc và mới đây Bộ Tài chính đã có ý kiến đồng thuận và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để mức phí đường cao tốc sớm được điều chỉnh. Hy vọng những nỗ lực của các cơ quan chức năng, từ trung ương tới địa phương, sẽ góp phần cải thiện tình hình an toàn giao thông trên địa bàn TP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.