Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại đường gom đại lộ, quốc lộ, lối rẽ cao tốc: Nguy hiểm rình rập từ chợ ''cóc''

Nhóm phóng viên| 05/11/2020 06:43

(HNM) - Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại các đường gom đại lộ, quốc lộ, lối rẽ đường cao tốc… trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều điểm bán hàng rong, chợ "cóc". Tình trạng này kéo theo hiện tượng người dân mua, bán diễn ra ngay ở lòng đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điều đáng nói, dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân dẹp bỏ chợ "cóc” tại các khu vực này, nhưng chỉ một thời gian sau vi phạm lại tái diễn.

Vẫn có nhiều người lấn chiếm vỉa hè tại đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn qua địa phận huyện Hoài Đức) để bán hàng.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Ngày 2-11, khảo sát trên Đại lộ Thăng Long, đoạn từ chân cầu vượt Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) chạy qua địa phận các xã An Phú, An Khánh… (huyện Hoài Đức) phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy khá nhiều hàng quán bày bán đồ chơi, đồ gia dụng, hoa quả, thậm chí bán hải sản nướng cho khách ăn ngay tại vỉa hè.

Anh Nguyễn Trọng Đức (ngõ 56 Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm): “Nhiều lần tôi quan sát thấy cùng lúc có 3-4 xe dừng lại để người trên xe mua ngô, khoai trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long. Việc này rất dễ gây tai nạn giao thông bởi các xe đỗ ở đây che khuất tầm nhìn của các phương tiện phía sau”.

Trong khi đó, tại khu vực đường dẫn vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn phường Cự Khối và Thạch Bàn (quận Long Biên) thường xuyên bị bủa vây bởi tình trạng người dân căng lều bạt, đứng bán hàng rong ngay dưới lòng đường. Cứ cách vài mét lại có một quầy bán ổi, táo, đu đủ... Không chỉ bày biện hàng hóa, người bán hàng còn đứng tràn ra lòng đường để chèo kéo, mời chào khách mua hàng, bất chấp xe ô tô đang đi với tốc độ cao.

Tương tự, trên đoạn đường 5km của quốc lộ 32 qua địa bàn xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) có khoảng 200 hàng quán bán hàng; còn với 16km đoạn qua huyện Ba Vì cũng có hàng trăm điểm buôn bán hàng ăn, vật liệu xây dựng, họp chợ đông người gây cản trở giao thông. Hoặc tại lối lên xuống đường Vành đai 3 từ đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ cũng xuất hiện nhiều người bán hàng rong.

Theo Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Hứa Đức Minh, do các tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, lối lên xuống đường Vành đai 3... có mật độ phương tiện qua lại đông nên người bán hàng rong tập trung hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn tùy tiện mua hàng ở khu vực này, "tiếp tay" cho người bán hàng vi phạm.

Cần giải pháp triệt để

Về giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều người cho rằng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền cho người dân không mua, bán hàng tại khu vực đường gom đại lộ, quốc lộ, lối rẽ cao tốc, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai, trong năm 2020, UBND quận giao nhiệm vụ cho UBND các phường và công an quận, thanh tra giao thông - vận tải tiếp tục xử lý vi phạm tại khu vực các lối rẽ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai 3, cầu Thanh Trì. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 94 trường hợp bán hàng rong bị xử phạt với số tiền trên 14 triệu đồng. Để có căn cứ xử lý vi phạm, UBND quận cũng đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội lắp camera tại các khu vực thường xuyên xuất hiện vi phạm.

Còn tại đường dẫn vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5 cho hay, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Gia Lâm tuần tra, xử lý những vi phạm. Trong khi đó, với những vi phạm ở đường gom Đại lộ Thăng Long, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân thông tin, trước mắt, UBND huyện yêu cầu lực lượng chức năng của huyện và các xã có đường gom chạy qua địa bàn tập trung xử lý vi phạm. Về lâu dài, huyện sẽ tìm vị trí phù hợp để người bán hàng có địa điểm buôn bán nông sản.

Theo ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trên tuyến quốc lộ 32 dài 52km hiện tồn tại 707 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây. "Sắp tới, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp với chính quyền các huyện, lực lượng chức năng rà soát, lập hồ sơ, biên bản vi phạm hành chính, sau đó tiến hành giải tỏa toàn bộ vi phạm..." - Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang nhấn mạnh.

Tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại khu vực đường gom đại lộ, quốc lộ, lối rẽ nhiều đường cao tốc... để bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội diễn ra đã lâu, đòi hỏi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong xử lý vi phạm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, từ bỏ thói quen xấu mua hàng ở những khu vực này. Có như vậy mới triệt để ngăn chặn được những vi phạm trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại đường gom đại lộ, quốc lộ, lối rẽ cao tốc: Nguy hiểm rình rập từ chợ ''cóc''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.