(HNM) - Đến năm 2013 số lượng văn bản nợ đọng lại tăng đột biến, tổng số văn bản chưa hoàn thành là 107.
Tuy nhiên, đến năm 2013 số lượng văn bản nợ đọng lại tăng đột biến, tổng số văn bản chưa hoàn thành là 107. Với quy trình, cách thức làm việc như hiện nay, nếu không có giải pháp tháo gỡ những nút thắt, tình trạng luật chờ nghị định trong tương lai sẽ còn tiếp diễn với mức độ trầm trọng hơn.
Chậm ban hành nghị định
Nếu có một cuộc bình chọn, hẳn Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 sẽ nằm trong "tốp" có nhiều nghị định hướng dẫn thi hành nhất với 56 nghị định. Theo kế hoạch của Chính phủ, để thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, hầu hết số nghị định quy định chi tiết Luật XLVPHC phải có hiệu lực trong cùng thời điểm ngày 1-7-2013. Riêng chỉ có 3 nghị định sẽ ban hành vào ngày 1-1-2014, cùng thời điểm có hiệu lực đối với 3 nội dung còn lại của luật. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ mới chỉ ban hành được 9 nghị định. Ngoài ra, có 25 dự thảo nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ, có khả năng ban hành trước ngày 30-9.
Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính vẫn chưa ban hành. |
Trong khi đó, để hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC, ngay từ tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai và danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC yêu cầu các bộ, ngành thực hiện. Trước chậm trễ này, đích thân Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã đề nghị vụ pháp chế của các bộ, ngành quan tâm, phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là Bộ CA. Vì 6 nghị định do Bộ CA chủ trì soạn thảo đến nay vẫn chưa ban hành được nghị định nào, mà những quy định XLVPHC trong lĩnh vực này lại liên quan rất nhiều đến người dân. Đơn cử như nghị định quy định về quản lý bảo quản tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính; nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội; nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC...
Quá trình chờ đợi, ở cấp địa phương cũng đã xuất hiện nhiều lúng túng về áp dụng pháp luật. Một bất cập nhiều đơn vị đề nghị làm rõ, đó là làm thế nào để tránh tình trạng xử phạt VPHC bị dừng đột ngột trong khoảng thời gian từ ngày 1-7-2013 (thời điểm Luật XLVPHC có hiệu lực) đến khi các nghị định mới có hiệu lực. Và cách phổ biến đang được Bộ Tư pháp hướng dẫn là linh hoạt áp dụng mức phạt cũ trong xử phạt VPHC, đa phần đều thấp hơn so với quy định trong các dự thảo nghị định mới. Tuy nhiên, làm như thế nào để bảo đảm việc áp dụng những quy định này không trái với tinh thần của Luật XLVPHC mới có hiệu lực là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Bởi số lượng hành vi vi phạm lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể. Thực tế này dẫn tới tình trạng nếu người bị xử phạt mà nắm vững quy định pháp luật và cãi "về nguyên tắc pháp lý, luật mới có hiệu lực thì tất cả những văn bản hướng dẫn thi hành luật cũ phải hết hiệu lực" thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt cũng phải "bó tay" về cách giải quyết.
Cần thay đổi quy trình xây dựng luật?
Tình trạng nhiều bộ luật thiếu nghị định hướng dẫn đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý. Vậy mà năm 2013 số lượng văn bản nợ đọng lại tăng đột biến với tổng số văn bản hiện chưa hoàn thành là 107. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đang dự thảo và sẽ sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, trong đó quy định trách nhiệm xây dựng pháp luật của bộ trưởng và định kỳ hằng tháng, quý, năm báo cáo kết quả công tác này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu mỗi bộ phải có riêng một thứ trưởng chuyên trách về thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, muốn triển khai hiệu quả thể chế trong lĩnh vực này, ngoài quy trách nhiệm, cũng cần chế tài kèm theo. Nên chăng hãy xem kết quả đạt được trong công tác xây dựng, thể chế hóa luật như một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công tác và cũng là một trong tiêu chí trong quá trình tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị bộ trưởng. Bởi nguyên nhân dẫn đến nợ đọng, theo đánh giá của Chính phủ, còn là do công tác chỉ đạo chưa nghiêm, người đứng đầu còn coi nhẹ việc thể chế hóa luật. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng luật theo hướng chi tiết, hạn chế luật khung nhằm giảm tối đa các nghị định, thông tư hướng dẫn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.