Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài chính toàn cầu: Xu hướng dịch chuyển từ Âu sang Á

Thương Nguyệt| 01/03/2023 10:25

(HNMO) - Thị trường tài chính luôn chuyển động khi các quỹ tổ chức (quỹ đầu tư với tài sản được nắm giữ độc quyền bởi các nhà đầu tư tổ chức) và nhà đầu tư tư nhân tìm cách tái cân bằng danh mục đầu tư và tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực mới nổi.

Hoạt động tài chính toàn cầu tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ châu Âu sang châu Á. Ảnh: Shutterstock

Trong bối cảnh những chỉ số giao dịch hằng ngày phản ánh thăng trầm của thị trường, cũng có những xu hướng lớn hơn đang diễn ra. Điều này được thúc đẩy bởi các yếu tố địa chính trị, thực tế kinh tế và việc tìm kiếm sự an toàn dài lâu cùng lợi nhuận đáng tin cậy.

Thập kỷ qua đã chứng kiến sự thay đổi trọng tâm của các hoạt động tài chính toàn cầu. Đó là sự rời xa các trung tâm truyền thống ở Bắc Mỹ và châu Âu để hướng tới châu Á. Hầu hết các dấu hiệu chỉ ra rằng quá trình này sẽ là xu hướng.

Ấn bản Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu của Viện Phát triển Trung Quốc (CDI) và tổ chức tư vấn thương mại Z/Yen Partners có trụ sở tại London (Anh) cho thấy, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) nằm trong số bốn trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, sau New York và London.

Cũng theo bảng xếp hạng được công bố vào tháng 9-2022, ba thành phố khác của Trung Quốc, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, nằm trong tốp 10. Điều này khẳng định xu hướng chuyển hướng sang châu Á vẫn tiếp tục bất chấp những tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19.

Theo SCMP, các nhà đầu tư đều cân nhắc ba yếu tố quan trọng nhất trước khi quyết định địa điểm đầu tư hoặc tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Đầu tiên là khả năng kết nối giúp tăng cơ hội tiếp cận, qua đó cho phép nhà đầu tư thuận tiện chuyển các khoản đầu tư đến và đi từ các trung tâm tài chính khác.

Thứ hai là khả năng dự đoán dựa trên môi trường chính trị xã hội ít biến động. Cuối cùng là sự sôi động - kết quả của một nền kinh tế mở hỗ trợ các ngành công nghiệp lâu đời, các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu và những cơ hội quốc tế. 

Giáo sư Sumit Agarwal, đến từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết, trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới hiện đang ở châu Á - khu vực sôi động với các hoạt động sản xuất và có nhu cầu lớn về những dịch vụ tài chính như vay, cho vay và đầu tư.

Những quốc gia đông dân số đang mở cửa và đạt được mức độ tài chính toàn diện cao hơn. Tại Ấn Độ, 500 triệu tài khoản ngân hàng mới đã được mở trong vài năm qua. Điều này tạo ra số lượng lớn các nhà đầu tư tiềm năng.

Sự ra đời của công nghệ tài chính (fintech) cũng mang lại nhiều thay đổi. Được hỗ trợ bởi tốc độ và sức mạnh ngày càng tăng của internet, công nghệ này đã đưa ra các giải pháp giúp nhiều người có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng dễ dàng hơn, từ những cá nhân có thu nhập cao ở thành phố đến những chủ tài khoản mới ở khu vực nông thôn.

Năm 2021 chứng kiến khoản đầu tư tư nhân kỷ lục 296 tỷ USD tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những bước phát triển này đồng nghĩa các ngân hàng lớn trong khu vực có lợi thế khai thác các cơ hội tiềm năng.

Từ năm 2009, DBS (Singapore) vẫn là ngân hàng châu Á được xếp hạng cao nhất trong danh sách Ngân hàng an toàn nhất thế giới của tạp chí Global Finance (Mỹ).

Theo báo cáo tháng 9-2022 của hãng kế toán danh tiếng PwC (Anh), việc đặt trụ sở chính tại Singapore mang lại lợi thế cho DBS vì thành phố này đã trở thành trung tâm quản lý tài sản toàn cầu đối với các nhà đầu tư và nhà quản lý quỹ. 

Dữ liệu cho thấy, tài sản được quản lý tại Singapore đạt mức kỷ lục 3,5 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, tăng 17% so với năm trước. đó Trong đó, 78% có nguồn gốc bên ngoài Singapore, với hơn một nửa đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài chính toàn cầu: Xu hướng dịch chuyển từ Âu sang Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.