Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Vì sao chưa hiệu quả?

Thanh Mai| 14/01/2013 07:41

(HNM) - Sau những năm đổi mới, diện mạo nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến đáng khích lệ, song cấu trúc mô hình phát triển thời gian qua không còn phù hợp.

Năm 2013, giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT).

Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: Trọng Hải


Hiệu quả chưa cao

Việc đổi mới hệ thống DNNN thời gian qua cũng như hiệu quả hoạt động của nhiều TĐ, TCT nhà nước chưa tương xứng với kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và nhân dân. Một số TĐ, TCT mở rộng đa dạng ngành nghề, đầu tư tràn lan nên hiệu quả không cao, không tạo được sản phẩm đủ sức và ưu thế cạnh tranh. Hàng loạt đơn vị chú trọng đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành như bất động sản, ngân hàng, dịch vụ du lịch. Không ít DN có dấu hiệu không minh bạch trong kinh doanh, không nắm được số lỗ, lãi thực. Một số TĐ, TCT thua lỗ, phá sản dẫn đến Nhà nước phải trả thay, khoanh nợ...

Phần lớn DN hoạt động trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện lực, xi măng, sắt thép, khai khoáng... nhưng hiệu quả sinh lợi thấp. Đặc biệt, trình độ công nghệ, năng suất lao động của khá nhiều DN còn thấp; sức cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù đã được ưu ái cho hoạt động độc quyền trên từng lĩnh vực, nhưng trong một thời gian dài vẫn tồn tại không ít DN kém hiệu quả trong kinh doanh. Tuy được bảo đảm và ưu tiên về vốn tín dụng, ưu đãi về thuế, thủ tục nhưng mức đóng góp của các DNNN vào GDP thấp, thậm chí tạo nợ mới cho ngân sách nhà nước.

Tại Quyết định 929/QĐ-TTg (ngày 17-7-2012), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ kinh tế, TCT nhà nước giai đoạn 2011-2015". Sau khi đề án được phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT đã xây dựng cơ chế chính sách và đề án tái cơ cấu cho từng DN. Đến cuối năm 2012, cả nước có 75 TĐ, TCT hoàn thành xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó 45 đơn vị đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, hệ thống cơ chế, chính sách đã, đang dần được hoàn chỉnh như: Nghị định 99/2012/CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); dự thảo nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN có vốn nhà nước...

Tái cấu trúc lại các DNNN là một chủ trương đúng, tất yếu và là nhiệm vụ cấp bách nhằm đem lại sự thay đổi tích cực, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu, rộng như hiện nay. Đây là một trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015. Chủ trương đúng, nhưng việc cấu trúc lại các DNNN đã từng được triển khai trong thực tế nhiều năm qua chưa đạt hiệu quả? Đây là câu hỏi cần sớm được trả lời.

Cần giải pháp ưu tiên

Để việc tái cấu trúc các DNNN đạt hiệu quả, rất cần sớm có giải pháp ưu tiên, trên cơ sở hoàn thiện thể chế quản lý để các DN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác; nâng cao năng lực quản trị và tài chính để SCIC sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại DN nhận chuyển giao (gồm cả các TCT mà Nhà nước giữ dưới 50% vốn sau cổ phần hóa). Thúc đẩy quá trình thoái vốn của SCIC tại DN tiếp nhận không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ vốn. Tổ chức phân loại DNNN, tập trung đầu tư, tăng cường năng lực vào một số lĩnh vực then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ 100% cổ phần, như an ninh, quốc phòng; cung cấp những hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu... Với các DN còn lại sẽ cổ phần hóa với lộ trình phù hợp. Thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Phá sản và cơ chế giải thể DN theo hướng cho phép cơ quan quản lý nhà nước thực hiện phá sản bắt buộc với DN không đủ điều kiện tồn tại. Bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu trong trường hợp DN bị giải thể, phá sản; đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Tái cơ cấu các TĐ, TCT toàn diện từ mô hình tổ chức, nguồn nhân lực, chiến lược phát triển, đến thị trường, sản phẩm... Tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công giữa Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN và ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trong hoạt động DNNN trên cơ sở yêu cầu DN công khai minh bạch thông tin như các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Vì sao chưa hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.