(HNM) - Vài năm trở lại đây, các trung tâm thương mại (TTTM) ở Hà Nội phát triển cả về quy mô lẫn số lượng, song phần nhiều hoạt động không hiệu quả.
Việc tích hợp siêu thị với những khu bán hàng cao cấp, giải trí sẽ giúp các trung tâm thương mại hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động.Ảnh: Bùi Tuấn |
Sự thành công của mô hình này cũng là lý do các chủ TTTM cần đổi mới, tái cấu trúc để tồn tại và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Vắng khách, chủ kinh doanh rút lui
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 135 siêu thị, 28 TTTM và hàng trăm cửa hàng tiện ích. Không thể phủ nhận, sự ra đời của các TTTM đã tạo nên diện mạo mới, ngày càng văn minh, hiện đại cho Thủ đô, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Song, thực tế không như kỳ vọng của các nhà đầu tư, nhiều TTTM đã lâm vào cảnh đìu hiu, ế ẩm. Các gian hàng sau thời gian ngắn kinh doanh phải ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình.
Nằm giữa trung tâm Thủ đô, nhưng gần 10h sáng một ngày cuối tuần đầu tháng 10, nhiều ki ốt tại TTTM - chợ Hàng Da vẫn đóng cửa là một ví dụ. Bà Nguyễn Thu Trà, chủ một ki ốt kinh doanh rượu cho biết, khách đến xem còn ít, thì nói gì đến mua. Hay như Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), dù có vị trí khá thuận lợi, nhưng ba tầng của TTTM này với gần 15.000m2, đã phủ bụi hơn ba năm nay. Chủ một gian hàng từng kinh doanh ở đây cho hay, sau lễ khai trương hoành tráng, khách đến thưa thớt dần, hàng bán chậm không đủ chi phí thuê mặt bằng nên các chủ hàng buộc phải "rút lui".
Các TTTM dù lượng khách ra vào có vẻ tấp nập hơn, nhưng nếu so với thời điểm mới khai trương, thì số lượng đã giảm đi đáng kể. Ngày cuối tuần tại một số TTTM, qua quan sát của phóng viên, lượng khách vào mua sắm không nhiều, hầu hết chỉ để dạo chơi, ngắm hàng hóa, hoặc lên khu ẩm thực, khu vui chơi và xem phim.
Chợ Hàng Da vắng khách mua hàng. Ảnh: Khánh Huy |
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, việc các TTTM ế ẩm là do sức mua của xã hội còn yếu. Trong khi, hàng hóa tại các TTTM chủ yếu là hàng cao cấp, giá cả không phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, hiện có tới 80% khách hàng là người có thu nhập trung bình, do đó số khách hàng có nhu cầu mua sắm thực sự tại các TTTM, nhất là TTTM cao cấp rất ít.
Mô hình “Một điểm đến cho mọi nhu cầu”
Dù nhiều TTTM đang phải tái cấu trúc, ngành hàng đóng cửa do thua lỗ trong kinh doanh nhưng mặt bằng bán lẻ vẫn là thị trường nhiều tiềm năng. Bằng chứng là trong chiến lược của giới đầu tư bất động sản, Tập đoàn Vingroup có kế hoạch xây tiếp 20 TTTM. Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam Yukio Konishi cho biết, tập đoàn này đặt mục tiêu phải có ít nhất 10-20 tổ hợp mua sắm, giải trí như Aeon Mall Long Biên ở Việt Nam thì mới hiệu quả. Tập đoàn Central Group (Thái Lan), sau khi mua lại hệ thống siêu thị Big C, 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và 49% cổ phần của Lan Chi Mart, cũng đang có ý định đầu tư, tái cấu trúc, xây dựng các TTTM phức hợp và siêu thị tại Việt Nam. Những dự tính chiến lược này cùng với thực tế hoạt động theo hướng đa dạng hóa của các TTTM lớn - rõ ràng còn có nhiều điều đáng để các doanh nghiệp kinh doanh TTTM trong nước phải tham khảo cho hướng phát triển của mình.
Mô hình “Một điểm đến cho mọi nhu cầu” thay cho các TTTM quy mô nhỏ, hình thức kinh doanh lỗi thời, là cách mà các "ông lớn" kinh doanh mặt bằng bán lẻ hướng tới. Những TTTM mang tầm quốc gia, quốc tế, với vốn đầu tư lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng như: Royal City, Times City, Aeon Mall Long Biên, Mipec Long Biên… được đầu tư theo chuỗi dịch vụ tổng thể, từ mua sắm mặt hàng thiết yếu đến cao cấp; tích hợp dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, khu thể thao, rạp chiếu phim, địa điểm tổ chức sự kiện... với giá cả hợp lý, cùng phong cách phục vụ văn minh, hiện đại, thân thiện. Thực tế, các điểm mua sắm này luôn giữ được lượng khách ổn định nhờ kiểu kinh doanh hiện đại.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, đối với mô hình chợ - TTTM, sau khi nhận thấy việc chuyển đổi không hiệu quả, Sở đã báo cáo UBND thành phố, kiến nghị rà soát lại quy mô, năng lực tài chính của các chủ đầu tư nhận dự án nhưng chưa thi công. Hiện thành phố đã dừng không triển khai mô hình này. Thay vào đó, sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn phòng - chống cháy, nổ, an toàn thực phẩm và giữ lại nét truyền thống của chợ Hà Nội.
Công ty CBRE Châu Á - Thái Bình Dương (đơn vị quản lý, tư vấn bất động sản), trong báo cáo nghiên cứu thị trường Hà Nội, cũng nhận định, các nhà bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến đang có xu hướng mở rộng phạm vi hoạt động tại các TTTM. Do đó, việc các TTTM phát triển nền tảng thương mại điện tử hoặc thiết lập mạng lưới dịch vụ hậu cần nhằm mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm đa kênh, tích hợp toàn diện là giải pháp hiệu quả. Sở dĩ Aeon Mall có lời tuyên bố đầy tự tin về tham vọng thống lĩnh thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam, nhất là ở mô hình TTTM, là bởi họ đầu tư từ thiết kế, xây dựng, đến quản lý, vận hành… Đây cũng là một trong những yếu tố then chốt để phát triển thành công một TTTM hiện đại mà các doanh nghiệp phân phối trong nước cần học hỏi trong chiến lược kinh doanh của mình.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Người Việt Nam có thói quen mua sắm khác với các nơi khác; thích mua quần áo, mỹ phẩm tại nơi họ có thể mua cả thực phẩm, hàng tiêu dùng... Ở đó cũng phải có chỗ cho trẻ chơi, gia đình, bạn bè cùng ăn uống, giải trí, thư giãn… Không chỉ cung cấp mặt bằng bán lẻ, tiện ích cho khách thuê mặt bằng và người tiêu dùng, những TTTM hiện đại còn tạo nhiều nguồn cung thương hiệu mới, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, mang lại sự mới lạ, tò mò cho khách hàng… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.