(HNM) - Hai ca tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức ngày 25-12 bước đầu được xác định là do sốc phản vệ. Theo các y, bác sĩ, sốc phản vệ là một tai biến y khoa vô cùng nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng những tai biến y khoa vẫn luôn hiện hữu và trở thành nỗi ám ảnh của người bệnh cũng như chính nhân viên y tế.
Tai biến y khoa vẫn thường xảy ra ở những nước có nền y học tiên tiến. |
Khẩn trương làm rõ chất lượng, nguồn gốc thuốc
Ngay sau sự việc đáng tiếc trên xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt, phối hợp với các cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, để đánh giá đúng về vụ việc phải chờ hơn 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y (tìm độc chất - PV). Hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc được chuyển sang Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Ngày 26-12, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định, việc hai bệnh nhân tử vong sau khi được gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức là sự cố y khoa nghiêm trọng, hy hữu. Qua tìm hiểu, các bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ gần như cùng lúc (chênh nhau chỉ khoảng 15-20 phút) khi được gây mê trong cùng khoảng thời gian đầu giờ buổi sáng tại hai phòng mổ, thực hiện bởi hai kíp gây mê - phẫu thuật. Hai bệnh nhân này sử dụng cùng lô thuốc, có biểu hiện sốc phản vệ rất nhanh, chỉ trong vòng 30 giây sau khi được tiêm. Dù được xử trí ngay lập tức tại chỗ và khẩn trương đưa đến Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), nhưng sau 2 tiếng cũng không thể qua khỏi.
Theo kết luận ban đầu của Khoa Cấp cứu A9, hai bệnh nhân này tử vong do bị sốc phản vệ. Sốc phản vệ là tai biến y khoa rất nghiêm trọng, thường có tiên lượng rất xấu, liên quan đến cơ địa, phản ứng của cơ thể với các thành phần của thuốc. Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, về nguyên tắc, tất cả thuốc gây mê đều có nguy cơ gây sốc phản vệ, chỉ khác nhau là tỷ lệ nhiều, ít mà thôi.
Trước tai biến nghiêm trọng này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu ba nhà cung ứng các thuốc được sử dụng cho hai bệnh nhân bị tử vong, gồm: Công ty Dược liệu trung ương 2, Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 1 và Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc rà soát, báo cáo về các thuốc cùng lô dùng cho hai bệnh nhân đã được cung ứng cho các bệnh viện; các phản ứng bất thường liên quan đến thuốc (nếu có), các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc… “Sở Y tế cũng đã báo cáo lên Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và đang chờ hồi âm về việc có sử dụng hay tạm ngưng sử dụng các thuốc cùng lô liên quan đến hai trường hợp tử vong nói trên. Mặt khác, triển khai các công tác chuyên môn cần thiết để xác định chất lượng, nguồn gốc các thuốc này” - bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Chấn chỉnh quy chế chuyên môn
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, sự cố, tai biến y khoa nói chung và sốc phản vệ nói riêng cũng thường xảy ra ở các nước trên thế giới, kể cả những nước có nền y học tiên tiến như: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật..., cách xử lý cũng không khác gì Luật Khám chữa bệnh của Việt Nam.
Trong đó, nguyên tắc chung là cần bảo vệ người thầy thuốc và người bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Việt Nam đã có thống kê từ các báo cáo kiểm tra bệnh viện về số lượng tai biến y khoa, nhưng số được thống kê chưa đầy đủ, vì “bệnh thành tích” nên báo cáo chưa chính xác. “Chúng tôi khuyến khích bệnh viện tự giác báo cáo đầy đủ, đồng thời động viên khen thưởng những đơn vị báo cáo đúng và có giải pháp kịp thời khắc phục ngay các sự cố y khoa” - ông Lương Ngọc Khuê nói.
Còn theo ông Dương Đức Hùng, đây là vấn đề có tính chất chiến lược, cần phải được triển khai một cách nghiêm túc, có chiều sâu, chiều dài của cả hệ thống y tế. Đặc biệt, phải phối hợp tốt với truyền thông nhằm tuyên truyền cho nhân dân hiểu để cùng phối hợp với Ngành Y tế thực hiện tốt vấn đề này như thông tin cho bác sĩ về tiền sử bệnh tật, giúp các bác sĩ trong kê đơn, giảm thiểu các thuốc có nguy cơ.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh cũng như hỗ trợ các bệnh viện về năng lực xử lý, cấp cứu sốc phản vệ, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế chuyên môn. Những cơ sở y tế nào gây hậu quả nghiêm trọng do hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, chứng nhận đủ điều kiện đăng ký hành nghề.
Chiều 26-12, trả lời phỏng vấn báo giới về kết quả giám sát chất lượng thuốc năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hằng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Việc lấy mẫu thực hiện theo kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm để phát hiện các thuốc có nguy cơ không đạt chất lượng cao. Trên cơ sở kết quả lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm, năm 2016, Cục Quản lý dược đã có văn bản thu hồi 30 lô thuốc. Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng có xu hướng thấp hơn so với tỷ lệ thuốc nhập khẩu kém chất lượng. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện năm 2016 tiếp tục có xu hướng giảm so với các năm trước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.